Multimedia Đọc Báo in

Ký ức tháng Tư

09:50, 29/04/2024

Những ngày tháng Tư này, Đắk Lắk rực thắm cờ hoa, băng rôn chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. 49 năm đã qua, giờ phút khải hoàn của tháng ngày lịch sử mãi in tạc trong tâm trí các cựu chiến binh.

Ở tuổi 89, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn khá nhanh nhẹn, minh mẫn; ký ức về một thời xông pha chiến trường vẫn còn nguyên vẹn trong ông.

Cựu chiến binh Lê Xuân Bá (SN 1935) sinh ra ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Tròn 18 tuổi, ông đi bộ đội, trở thành chiến sĩ công binh của Đại đội 34, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 308.

Đây là quãng thời gian quân ngũ đầu tiên, đầy tự hào của người lính trẻ Lê Xuân Bá khi được cùng đồng đội trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ chính là đào hầm hào, dò gỡ bom mìn.

Cựu chiến binh Lê Xuân Bá với những hồi ức về một thời lửa đạn.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tiếp tục cống hiến với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Đến năm 1964, ông được điều động vào chiến trường miền Nam để tiếp tục tham gia chiến đấu. 11 năm có mặt trên tuyến đường Trường Sơn đầy mưa bom bão đạn, ông Lê Xuân Bá đã cùng đồng đội ghi dấu nhiều chiến công hiển hách trong quá trình làm nhiệm vụ mở đường để chi viện cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt trong số đó là việc vừa chiến đấu, vừa thi công các hạng mục bến phà, cầu nổi, bến ngầm để nối liền hai bờ sông Sêrêpốk, giúp xe ô tô, xe tăng, xe bọc thép vượt sông một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Kể về thời khắc ngày 30/4/1975, ông bồi hồi: “Thời điểm đó, đơn vị chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Tin giải phóng lan nhanh, trong niềm vui chung, đoàn xe chúng tôi tiến thẳng về hướng Sài Gòn. Dọc hai ven đường, nhân dân cũng đồng loạt đổ ra đường để ăn mừng. Cờ Tổ quốc tung bay khắp mọi tuyến đường, không khí ấy, niềm hạnh phúc ấy nối dài, rưng rưng khó nói thành lời…".

Tháng Tư cũng là dịp cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Kiệm (SN 1948, ở TP. Buôn Ma Thuột) dành nhiều thời gian hơn để hàn huyên cùng đồng đội, người thân về những tháng ngày đã từng trải thời lửa đạn. Với ông, nhắc nhớ là để trân trọng hơn lịch sử, nhắc nhớ cũng là để ông và những người được hưởng độc lập, tự do hôm nay biết quý trọng, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường.

Cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Kiệm quê ở Bắc Ninh, ông nhập ngũ năm 1970 tại Quân khu 3. Sau khi huấn luyện bộ binh, tháng 9/1970, ông cùng đồng đội từ miền Bắc vượt qua núi rừng trùng điệp để có mặt ở chiến trường Tây Nguyên. Ông được phân công về Xưởng X35 thuộc Phòng Công binh, Sư đoàn 470 với nhiệm vụ phụ trách tổ kỹ thuật kiểm tra, bảo đảm phương tiện cho đoàn xe cơ động trên cung đường tiến vào miền Nam ruột thịt.

Ông kể, thời điểm ấy, chiến tranh ác liệt lắm, sống chết chỉ cách nhau một lằn ranh. Máy bay địch liên tục quần thảo trên bầu trời. Ông nhớ mãi năm 1972, tại khu vực Nam Lào, ông được phân công đi cùng để hỗ trợ một xe đi qua cung đường nguy hiểm. Khuya ấy, khi xe đang di chuyển thì bất ngờ rơi vào bãi bom của địch, tiếng nổ chát chúa của loại bom phát quang (một loại bom có sức sát thương cực mạnh của Mỹ) khiến người lái hy sinh tại chỗ. Nén mọi đau thương, chẳng kịp nghĩ ngợi nhiều, ông thay người vừa mất tiếp tục cầm lái, tìm mọi cách để tránh né làn bom của kẻ thù…

Cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Kiệm kể lại những năm tháng trên chiến trường.

Giữa bom đạn chiến tranh, các loại xe, phương tiện của ta trên chiến trường bị trúng đạn bom, hỏng máy, hỏng gầm xe rất nhiều. Bởi vậy, công việc của đội kỹ thuật gần như liên tục. Ông Kiệm cho biết, khi phát hiện các xe gặp sự cố, việc đầu tiên tổ kỹ thuật phải làm là đưa xe đó ra khỏi mặt đường, để thông đường cho các xe khác có thể thuận tiện tiến lên. Để không bị địch phát hiện, đoàn xe thường chạy trong đêm, nên cơ bản sửa xe cũng thường diễn ra thời điểm này. Ngoài ánh trăng, bộ đội sử dụng chiếc đèn nhỏ, soi vào chỗ hỏng hóc để sửa, không dám dùng ánh sáng quá mạnh vì sợ địch phát hiện. Nguy hiểm rình rập, nhiều lần chứng kiến đồng đội hy sinh, song ai nấy đều đồng sức đồng lòng, không quản gian nguy, luôn tìm mọi cách để khắc phục phương tiện hỏng, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao phó.

Do tổ kỹ thuật làm nhiệm vụ độc lập giữa chiến trường, trong khi phương tiện truyền thông còn hiếm, nên tin giải phóng ngày 30/4/1975 đến với họ cũng muộn hơn. Ông Kiệm bồi hồi: “Vào thời khắc lịch sử, tổ chúng tôi vẫn đang mải miết tìm kiếm, thu hồi phụ tùng trên phương tiện xe địch để phục vụ việc thay thế, sửa chữa các loại xe. Mãi đến 13 giờ, ngày 30/4, giữa cánh rừng của tỉnh Phước Long (nay là địa bàn của tỉnh Bình Phước) bao la, chúng tôi mới hay tin chiến thắng từ đồng đội. Nửa tin, nửa ngờ, chúng tôi vẫy xe chạy ngang qua để nắm bắt, hỏi thăm tình hình thì chính xác là miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Mọi cung bậc cảm xúc lẫn lộn, mọi người ôm lấy nhau, ai cũng rưng rưng vì “Bắc - Nam sum họp một nhà”!.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc