Multimedia Đọc Báo in

Gian nan “cuộc chiến” giữ rừng

10:15, 28/04/2024

Thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, “cuộc chiến” giữ vẫn còn lắm gian nan và cần thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn.

Thiếu nguồn lực bảo vệ rừng

Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2023, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 1.036 vụ vi phạm (giảm 184 vụ so với năm 2022); đã xử lý 982 vụ (hành chính 967 vụ, hình sự 15 vụ), tịch thu 385 m3 gỗ và 142 phương tiện các loại, nộp ngân sách hơn 1,6 tỷ đồng.

Tuần tra bảo vệ rừng ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông. Ảnh: Vạn Tiếp

Có thể thấy, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, công tác QLBVR vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo các cơ quan chức năng, có thực tế là nhiều chủ rừng không đủ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Một số công ty lâm nghiệp không đủ kinh phí trả lương cho người lao động, nợ lương kéo dài.

Ngoài ra, quyền hạn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ dừng lại ở mức độ phát hiện, lập biên bản vi phạm ban đầu, bảo vệ hiện trường và báo cáo cơ quan chức năng mà không có quyền bắt giữ người và tang vật vi phạm, không có quyền lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đơn cử như Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm quản lý gần 8.833 ha rừng và đất lâm nghiệp, nhưng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hiện chỉ có 9 người, bố trí tại 3 trạm QLBVR. Do áp lực công việc lớn, thu nhập thấp nên năm 2023, 7 nhân viên làm công tác giữ rừng tại đơn vị đã xin thôi việc. Đơn vị đã nhiều lần thông báo tuyển dụng lao động nhưng vẫn không tuyển được người.

Hiện nay, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho công tác QLBVR là 300.000 đồng/ha/năm đối với diện tích đất có rừng, không đủ bù đắp cho chi phí bảo vệ rừng tại doanh nghiệp. Công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính, phải nợ lương người lao động.

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin quản lý hơn 59.484 ha rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Lắk và huyện Krông Bông. Đơn vị có 90 viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và đang triển khai mô hình giải thể hạt kiểm lâm rừng đặc dụng (không còn kiểm lâm vườn quốc gia mà chỉ có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách).

Theo ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, chế độ chính sách đối với lực lượng giữ rừng thấp, trong khi khối lượng công việc, trách nhiệm bảo vệ rừng rất nặng nề, các đối tượng vi phạm lâm luật ngày càng tinh vi và liều lĩnh, sẵn sàng chống lại lực lượng chuyên môn.

Lực lượng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Núi Vọng Phu tuần tra bảo vệ rừng.

Hạn chế khác trong công tác QLBVR là việc kiểm tra, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn hạn chế; một số nơi chưa ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm, dẫn đến tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp.

Một số vụ phá rừng đã ban hành quyết định khắc phục hậu quả nhưng các đối tượng tái lấn chiếm, canh tác trên đất rừng bị phá mà cơ quan chức năng, địa phương và chủ rừng chưa kịp thời ngăn chặn, xử lý, làm giảm tính răn đe.

Bên cạnh đó, hoạt động của kiểm lâm, các lực lượng bảo vệ rừng khác theo hướng tăng cường về địa bàn gần rừng ở một số nơi còn mỏng, trang thiết bị, phương tiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Chưa kể, chính quyền các cấp thiếu sự kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên, nên hoạt động bảo vệ rừng tận gốc, bảo vệ rừng tại xã còn hạn chế.

Quyết liệt giữ rừng

Tính đến hết năm 2023, Đắk Lắk có hơn 497.235 ha đất có rừng (trong đó, rừng tự nhiên gần 411.931 ha, rừng trồng hơn 85.304 ha), diện tích đất chưa có rừng gần 240.048 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,04%.

Tỉnh xác định, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là bảo vệ chặt chẽ rừng tự nhiên hiện có vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp; từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất lượng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn.

Trong năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện hữu, khoanh nuôi tái sinh chuyển tiếp 2.000 ha rừng, trồng mới 1.817 ha rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất và ổn định độ che phủ rừng ở mức 38,04%.

Các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các vụ vi phạm về rừng và đất rừng; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, khôi phục rừng tự nhiên đã bị suy giảm trong những năm qua; từng bước nâng độ che phủ rừng và huy động nguồn lực nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2030.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Ea Súp.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cấp huyện phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền cơ sở bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp; rà soát xử lý nghiêm minh, dứt điểm các vụ án tồn đọng, gắn với tuyên truyền, công khai kết quả xử lý để góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa.

Đối với các chủ rừng, phải xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ rừng trên diện tích được giao, được thuê; đảm bảo bố trí các nguồn lực để giữ rừng, không để rừng bị xâm hại trái pháp luật.

Thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển rừng trong lâm phần quản lý nhằm thu hút lao động, tạo công ăn việc làm, góp phần hạn chế tác động xấu đối với rừng tự nhiên; tổ chức phục hồi lại diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, chủ rừng huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện của đơn vị và phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn để bảo vệ được rừng, đất rừng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, tổ chức những biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm.

“Mọi trường hợp vi phạm phải được phát hiện, kiểm tra, xử lý ngay từ đầu. Nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý mà chủ rừng không phát hiện, ngăn chặn, xử lý và báo cáo kịp thời thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Hoài Dương nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 246 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu hơn 75,098 m3 gỗ các loại, 25 phương tiện vi phạm, xử lý nộp ngân sách nhà nước gần 466 triệu đồng.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc