Multimedia Đọc Báo in

Hình tượng nàng chúa xuân trong Tết Bunpimay của người Lào

15:29, 28/04/2024

Tết Bunpimay của người Lào còn có tên gọi khác là Boun Sangkhan hoặc Boun Songkran. Ngày Bunpimay năm 2024 đúng vào thứ Bảy, ngày 13/4.

Từ “Songkran” trong  tiếng Phạn đọc là “Sam-kran” có nghĩa là bước lên, di chuyển, dịch chuyển.

Trước đây, “Ngày Songkran” được coi là ngày đầu năm mới của người Lào, rơi vào thời gian sau mùa thu hoạch ngũ cốc.

Người xưa quan niệm rằng việc vui chơi như một cách để thư giãn sau những tháng ngày vất vả làm việc trên ruộng đồng, nương rẫy và tạo cơ hội cho các bạn trẻ gặp gỡ nhau, cùng nhau té nước để giải tỏa cái nóng tháng Tư.

Trong ngày Tết Bunpimay, hoạt động rước nàng chúa xuân là nghi thức không thể thiếu được.

Theo truyền thuyết, nàng chúa xuân của năm nay (2024 - Phật lịch 2567) tên là Mahothon Devi. Người ta sẽ tổ chức một cuộc thi hoa khôi để chọn ra một cô gái đẹp đóng vai nàng chúa xuân để diễu hành đường phố.

Hình ảnh của nàng chúa xuân là một tiên nữ đeo đồ trang sức bằng ngọc quý, tay phải nàng cầm một luân xa, tay trái cầm cây đinh ba, cưỡi trên lưng chim công bay đến.

Nàng chúa xuân được người Lào gọi là Nang Sang Khan hoặc Nang Songkran, tất cả có bảy nàng, tương ứng với bảy ngày trong một tuần.

Biểu tượng nàng chúa xuân và chim công.

Truyền thuyết kể rằng, bảy nàng chúa xuân chính là bảy người con gái của Phạm Thiên Kabil Phrom, là vị thần đã thua Thái tử Thammabal (tiền thân Đức Phật) trong một cuộc đấu trí ở thời tiền kiếp.

Để thực hiện đúng lời hứa của mình trong cuộc đấu trí, Phạm Thiên đã tự cắt đầu và giao cho bảy người con gái của mình giữ lấy đầu của cha đừng để rơi xuống nhân gian. Vì nếu không, nước trên trái đất sẽ khô cạn, vạn vật sẽ bị thiêu cháy, sự sống sẽ bị hủy diệt.

Bảy cô con gái phải thay phiên nhau giữ đầu Kapil Phrom đi vòng quanh núi Tu Di mỗi người một ngày. Xong lượt các nàng bèn xuống nhân gian tắm rửa, nhân gian thấy vậy cũng làm theo và lâu ngày đã trở thành tết té nước như bây giờ.

Trong số bảy nàng chúa xuân đó thì mỗi một nàng sẽ cưỡi một linh vật đặc trưng cho mỗi năm, đó có thể là chim thần Garuda (Kim sí điểu), con hổ, con lợn, con voi, con trâu hay con công…

Việc chọn hình tượng nàng chúa xuân như thế nào của năm là phụ thuộc vào ngày 13/4 của năm đó ứng vào thứ mấy trong tuần. Ngoài ra, người Lào còn dựa vào thời điểm mặt trời di chuyển vào cung Bạch Dương trong ngày Maha Songkran lúc nào để quyết định tư thế của nàng Songkran.

Nàng Sangkhan có bốn tư thế và ám chỉ các thời điểm sau: Nếu nàng chúa xuân đứng trên xe diễu hành, nghĩa là mặt trời đang di chuyển vào cung Bạch Dương từ giữa bình minh cho đến buổi trưa; nàng ngồi trên xe diễu hành, nghĩa là mặt trời đã di chuyển vào cung Bạch Dương bắt đầu từ buổi trưa đến buổi tối; nàng nằm mở mắt trên xe diễu hành nhìn, nghĩa là mặt trời đã di chuyển vào cung Bạch Dương tính từ buổi tối cho đến nửa đêm; và nếu nàng nhắm mắt ngủ, điều đó có nghĩa là mặt trời đang di chuyển vào cung Bạch Dương, tính từ nửa đêm cho đến bình minh ló dạng.

Theo truyền thuyết, người ta tin rằng vào năm nào nàng Sangkhan nằm xuống với đôi mắt mở to thì nhân gian sẽ sống trong hòa bình, hạnh phúc. Năm nào nàng Sangkhan ở tư thế đứng thì năm đó con người sẽ gặp rắc rối và bệnh tật hay năm nàng ở tư thế ngồi thì nhân gian sẽ bị ốm đau, chết chóc và nhiều thảm họa khác nhau xảy ra.

Hình tượng nàng Songkran thứ Bảy.

Việc người ta gọi tên các linh vật mà các nàng Sangkhan cưỡi bằng tiếng Phạn là nhằm mục đích tạo ra tính chất linh thiêng, thần bí của nghi lễ. Đồng thời dựa vào hình ảnh linh vật mà nàng Sangkhan cưỡi và tư thế của nàng còn giúp mọi người, kể cả những người không biết chữ vẫn có thể biết được rằng năm mới bắt đầu vào ngày nào trong tuần, cũng như hiểu được vị trí dịch chuyển của mặt trời trong vũ trụ.

Đồng bào Lào sinh sống ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cũng tổ chức đón chào năm mới vào ngày 13/4 dương lịch hằng năm theo phong tục truyền thống. Các hoạt động nhân ngày Tết cổ truyền của người Lào tại địa phương gồm nghi thức cúng dường chư tăng, tụng kinh cầu an, nghi thức thả hoa đăng, tắm Phật, nghi thức buộc chỉ cổ tay, đắp cát, té nước, văn nghệ...

Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon


Ý kiến bạn đọc