Multimedia Đọc Báo in

Thủy chung với cà phê

09:00, 12/03/2019

Trải bao thăng trầm và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng người nông dân ở Đắk Lắk vẫn luôn "thủy chung son sắt" với cây cà phê. Có khác chăng là họ đang nỗ lực từng bước nâng tầm giá trị hạt cà phê mà họ làm ra.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đang diễn ra, lượng khách từ mọi miền đất nước “đổ” về tham gia các sự kiện của Lễ hội ngày càng gia tăng. Không khí tất bật, rộn ràng của Lễ hội đã và đang len lỏi từ phố thị đến nông thôn. Thế nhưng có lẽ ít người để ý rằng, nắng hạn, giá cà phê tuột dốc đang đè nặng lên đôi vai của bà con nông dân.

Du khách tham gia  Lễ hội đường phố chiều 9-3.
Du khách tham gia Lễ hội đường phố chiều 9-3.

Ông Lê Văn Minh (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) nhớ lại, năm 1996 ông rời quê Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vào xây dựng cuộc sống mới ở Đắk Lắk. Những ngày đầu trên vùng đất mới rất khó khăn khi phải thay đổi hoàn toàn cuộc sống và tập quán sản xuất. Đặc biệt là chuyển nghề từ trồng lúa sang trồng và chăm sóc cà phê, bởi loại cây này quá mới đối với những người như ông. Trong khi đó, đất mới khai hoang nên chưa thuần, việc trồng đậu, bắp xen canh “kiếm cơm” rất khó khăn trong thời gian 3 năm cây cà phê đang kỳ kiến thiết cơ bản đã khiến nhiều người bỏ cuộc giữa chừng. Đến những năm 2000, khi cây cà phê bắt đầu cho thu hoạch cũng là thời điểm đời sống bà con nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Đó cũng là một trong những thời điểm hoàng kim nhất của cây cà phê. Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay giá cà phê luôn sát giá thành sản xuất (hiện tại là hơn 30 triệu đồng/tấn), tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho tình trạng thiếu nước tưới xảy ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi đó cây cà phê ngày càng “yếu” đi vì già cỗi khiến lợi nhuận ngày càng giảm. Theo tính toán, nếu chăm sóc tốt, mỗi héc - ta có thể thu về 3 tấn cà phê nhân, tương đương gần 100 triệu đồng, nhưng  người nông dân chỉ thu được 25-35 triệu đồng, bởi chi phí sản xuất hiện nay đã "ngốn" hết đa phần doanh thu.

Khó khăn là thế, nhưng hầu hết bà con nông dân ở Đắk Lắk vẫn không có ý định từ bỏ loại cây đã gắn bó với mình bao năm qua. Với mong muốn kế tục và gắn bó với nghề trồng cà phê gần 20 năm của gia đình, anh Lê Anh Thắng (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân) đang tìm cách nâng cao giá trị gia tăng của vườn cây thông qua chế biến sâu quy mô nông hộ. Cụ thể, anh bắt đầu tìm hiểu về cách thức chế biến cà phê từ nguồn nguyên liệu gia đình tự sản xuất vào năm 2015. Năm 2016, anh bắt đầu rang thử cà phê bằng bếp củi để sử dụng, tặng người thân và bán ra thị trường theo đơn đặt hàng. Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu và sử dụng cà phê rang mộc nguyên chất ngày càng tăng, năm 2017 anh đầu tư gần 100 triệu đồng mua hệ thống máy rang, xay cà phê. Đồng thời, anh tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật chế biến nhằm từng bước nâng cao chất lượng cà phê từ khâu sản xuất trên vườn đến thu hoạch, chế biến để mở dịch vụ rang cà phê cho nông dân quanh vùng cũng như đăng ký logo Tuny cafe tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện tại, song hành với chế biến cà phê rang xay thông thường, anh còn chế biến cà phê chất lượng cao, cà phê theo tiêu chuẩn đặc sản cung cấp ra thị trường.

Cà phê là thức uống được gia đình anh Lê Anh Thắng (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) dùng để đón tiếp khi có khách đến thăm nhà.
Cà phê là thức uống được gia đình anh Lê Anh Thắng (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) dùng để đón tiếp khách đến thăm nhà.

Tương tự, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kmát (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) hiện nay cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn thu từ cà phê. Ông Y Căl Êban, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX cho biết, năm 2018 giá cà phê quá thấp khiến HTX phải bù lỗ cho nông dân, nhân viên HTX 6 tháng nay làm việc nhưng vẫn chưa có lương bởi giá cà phê bán ra thấp hơn giá cà phê mua vào. Tuy nhiên, cà phê hiện tại đang là cây trồng chủ lực của người dân địa phương nên HTX tiếp tục lấy chất lượng làm đầu để đưa ra các chiến lược phát triển của HTX. Cụ thể, HTX đang tận dụng mọi nguồn lực kiểm tra mẫu đất, nước, lá, cà phê nhân để sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ; dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành quy trình sản xuất cà phê hữu cơ, năm 2021 tiếp cận chứng chỉ cà phê Organic quốc tế; các hoạt động xúc tiến tìm hiểu thị trường ở Nga được gấp rút triển khai. Ngoài ra, HTX còn tham gia Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 thông qua hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê chất lượng cao của mình tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê. Đồng thời, sẵn sàng tiếp đón du khách khi đến thăm, tìm hiểu, trải nghiệm nghề trồng, chăm sóc cà phê, cùng thưởng thức ly cà phê theo văn hóa của đồng bào Êđê trong nhà dài truyền thống.

Đó là những cách làm mới, thể hiện sự năng động, sáng tạo của người trồng cà phê nhằm thích nghi với điều kiện mới. Dẫu sao, để tạo nên dư vị đắng vừa, ngọt hậu đặc trưng của giống cà phê Robusta, cây cà phê phải trải qua bao mùa nắng mưa, chắt lọc hương vị đất trời dưới bàn tay chăm chút của người nông dân. Vậy nên, nếu có dịp, hãy về rẫy cà phê thưởng thức ly cà phê rang mộc trên sườn đồi, nghe những tâm tình của nông dân để hiểu hơn, yêu hơn hương vị cà phê.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.