Multimedia Đọc Báo in

Tiết kiệm cũng phải... "nhổ cỏ cho sạch"

08:55, 13/05/2020

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rất rõ rằng: “Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”. Nếu không, thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta.

Theo Người, có nhiều thứ lãng phí: “Lãng phí sức lao động: vì kém tinh thần phụ trách và tổ chức, sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người… Lãng phí thì giờ: việc gì có thể làm trong một ngày, một buổi cũng kéo dài đến mấy ngày. Thí dụ: những cuộc khai hội vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày… phải kiên quyết chống thói họp lu bù, mất thì giờ, hại sức khỏe mà không kết quả thiết thực”. Lãng phí của công có rất nhiều hình thức. Bác Hồ đã nêu lên một loạt ví dụ như dùng vật liệu, nguyên liệu một cách phí phạm; không sử dụng hết công suất máy móc; phung phí xăng dầu, để thóc trong kho ẩm ướt, hao hụt; ngân hàng sử dụng tiền bạc không lợi cho việc tăng gia sản xuất; nhân dân làm đám cưới, đám ma tốn kém…

Tác phẩm tranh sơn dầu “Nghe lời Bác dạy” của họa sĩ Vương Trình.  Ảnh: tuyengiao.vn
Tác phẩm tranh sơn dầu “Nghe lời Bác dạy” của họa sĩ Vương Trình. Ảnh: tuyengiao.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa: “Tham ô là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương, đơn vị mình”. Người nghiêm khắc nhận xét: “Tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp”, “Lãng phí cũng có tội như tham ô… Lãng phí có khi còn tai hại hơn nạn tham ô… Người phạm tội có tội đã đành, người thấy những tội ấy mà không nêu ra (tham ô, lãng phí, quan liêu) cũng như có tội”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “tham ô là trộm cư­ớp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Nguyên nhân của nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu. Vì quan liêu “thành thử có mặt mà không thấu suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí… bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải khắc phục bệnh quan liêu.

Cách đây hơn 60 năm, Bác Hồ đã coi “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Người cho đó là: “Kẻ thù khá nguy hiểm, vì không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó khăn của ta, phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”. Tham nhũng còn gây ra tác hại làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với bộ máy và công chức, viên chức Nhà nước, triệt tiêu động lực cơ bản nhất của sự phát triển.

Bữa cơm của Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Bữa cơm của Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Cuộc đấu tranh chống kẻ thù này - Bác gọi là “giặc trong lòng”, “giặc nội xâm” - thật quyết liệt, lâu dài và phải làm thường xuyên, không một phút lơi lỏng, nhất là trong tình hình mới hiện nay. Thiết nghĩ, lúc này hơn bao giờ hết mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng"; “… một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”; phải thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, chống các tệ nạn mà ai cũng bất bình, chê trách. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị và đoàn thể phải có những biện pháp đồng bộ, tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phải kết hợp tăng cường kỷ cương, pháp luật với giáo dục, kết hợp biện pháp hành chính với phát huy vai trò của quần chúng nhân dân; mọi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình - đúng là tai mắt của Quốc hội để đưa đất nước đi vào hoạt động có trật tự, kỷ cương, thúc đẩy xã hội không ngừng phát triển nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Thanh Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.