Multimedia Đọc Báo in

Đầu tư và quan tâm phát triển đội ngũ trí thức

08:25, 26/08/2020
Tiến sĩ   Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh:
 
Nghị quyết lần này Ban biên soạn có nhiều công phu, tiếp thu sửa chữa nghiêm túc, hình thức phù hợp, nội dung đầy đủ, có tính khái quát cao, bố cục khoa học, văn phong rõ ràng. Riêng phần khoa học và công nghệ (KH-CN), báo cáo đã khái quát được những kết quả chính, nhưng có thể do khuôn khổ có hạn nên chỉ đánh giá được một số mặt cơ bản, còn nhiều nội dung về KH-CN chưa được thể hiện ở báo cáo. Cụ thể như: Đo lường, kiểm định chất lượng; Công tác ISO quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện và phủ kín đến xã; Đầu tư tiềm lực KH-CN, các trạm thực nghiệm ở TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar... Và đặc biệt là chưa đánh giá hết tiềm lực của trí thức KH-CN.   
 
Tiến sĩ Vương Hữu Nhi
Tiến sĩ Vương Hữu Nhi

Trong mọi thời đại, tiềm lực KH-CN quan trọng nhất là trí thức, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng KH-CN 4.0, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi địa phương, mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Đối với tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, tiềm lực KH-CN ngày càng phát triển vượt bậc, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh.

Tuy nhiên thực tế cũng còn nhiều tồn tại như: Số lượng và chất lượng của đội ngũ trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh, đất nước; cơ cấu đội ngũ trí thức có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính. Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở trong tỉnh và trong nước. Cùng với đó, trình độ của trí thức ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu, trường đại học chưa đáp ứng được so với yêu cầu phát triển của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung, nhất là lĩnh vực sử dụng và ứng dụng KH-CN vào đời sống nhân dân.
 
Để giải quyết các vấn đề trên, theo tôi cần tập trung một số giải pháp quan trọng như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đội ngũ trí thức theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay; xác định công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
 
Có chính sách ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Bảo đảm được các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ, tiền lương để trí thức yên tâm công tác, nhất là trí thức ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng trí thức, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn, quy định, phù hợp với năng lực, chuyên môn; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Quan tâm đến những cán bộ trẻ có triển vọng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận cho tỉnh. Chủ động rà soát đội ngũ cán bộ của cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
 
Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh hoạt động có hiệu quả; phát huy được vai trò trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết trí thức trong tỉnh. Động viên đội ngũ trí thức của tỉnh tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương, đơn vị.
 
Thúy Hồng (thực hiện)
 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.