Multimedia Đọc Báo in

Làm kinh tế giỏi, vận động xây dựng nông thôn mới hay

08:08, 23/09/2020

Phát huy lợi thế của địa phương về tiềm năng đất đai và nguồn lao động, nhiều nông dân trên địa bàn xã Buôn Triết (huyện Lắk) đã trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Trong số đó, phải kể đến ông Nguyễn Xuân Ước (thôn Mê Linh 2) – một nông dân vừa làm kinh tế giỏi, vừa có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Xuất thân từ vùng quê lúa Thái Bình nên khi đến xã Buôn Triết lập nghiệp, ông Ước luôn xác định hướng phát triển kinh tế chủ lực của gia đình vẫn là từ cây lúa. Vào vùng quê mới năm 1995 với hai bàn tay trắng, ông Bình chăm chỉ làm thuê, cuốc mướn, tích góp dần dần mua được 7 sào ruộng lúa. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập không đáng kể. Sau đó, ông chủ động tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, các buổi hội thảo nhân giống lúa mới do địa phương phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, đồng thời chịu khó tìm đến các mô hình làm ăn có hiệu quả để tìm hiểu thêm nên sản xuất có hiệu quả hơn. Đến khi có nguồn thu nhập ổn định, ông tiếp tục mua thêm đất để trồng lúa và cà phê.

Ông Nguyễn Xuân Ước  thăm ruộng lúa của gia đình.
Ông Nguyễn Xuân Ước thăm ruộng lúa của gia đình.
 
“Tấm gương sáng của ông Nguyễn Xuân Ước đã góp phần tạo sự lan tỏa, không chỉ trong phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi, mà còn khích lệ người dân trong thôn tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, đất đai xây dựng nông thôn mới”.
 
Ông Nguyễn Đăng Trọng, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết

Hiện nay, gia đình ông Ước đang canh tác 3,5 ha đất trồng lúa và 1 ha đất trồng cà phê; kết hợp chăn nuôi gà thêm, vịt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Dù diện tích khá lớn nhưng việc sản xuất lúa lại nhẹ nhàng, tiết kiệm công sức hơn rất nhiều bởi mọi công đoạn từ khâu làm đất, gieo sạ, diệt cỏ đến thu hoạch đều được cơ giới hóa, khi thu hoạch được thương lái đến mua lúa tươi ngay trên đồng, đỡ công phơi.

Khi kinh tế gia đình khá giả, ông Ước không chỉ có điều kiện để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất mà còn tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Mê Linh 2, ông vận động bà con trong thôn hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, bà con đã đóng góp 210 triệu đồng và ngày công lao động để mua đất, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; đóng góp hơn 100 triệu đồng để xây dựng mô hình “điện sáng nông thôn” dọc các đoạn đường nội thôn với tổng chiều dài 2,5 km… Bản thân ông Ước ngoài việc tham gia đóng góp theo đầu hộ còn tự nguyện hiến hơn 100 m2 đất, tự phá dỡ hàng rào để làm đường giao thông, đóng thêm 3 triệu đồng và hơn 10 ngày công lao động trong việc mua đất, xây dựng nhà văn hóa thôn.

Với những nỗ lực đó, ông Ước được chọn là điển hình tiên tiến tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Đắk Lắk lần thứ XI, giai đoạn 2020 - 2025 .

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.