Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường

14:34, 21/08/2018

Sáng 21-8, Đoàn Giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn.

Về phía tỉnh có đồng chí: Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 758.127,5 ha đất có nguồn gốc đất nông, lâm trường, chiếm 58,2% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Hiện có 725.906,4 ha đang được sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp có 5.199,4 ha, đất chưa sử dụng có 27.021,7 ha.

Trước khi thực hiện việc rà soát, sắp xếp các tổ chức, trên địa bàn tỉnh có 56 tổ chức có nguồn gốc là các nông, lâm trường đang quản lý, sử dụng 527.986,2 ha. Bao gồm 32 công ty nông nghiệp, 15 công ty lâm nghiệp, 6 ban quản lý rừng, 1 khu bảo tồn thiên nhiên, 2 vườn Quốc gia.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị kiến nghị một số vấn đề tại cuộc họp
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị kiến nghị một số vấn đề tại cuộc họp

Thực hiện nghị quyết của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 46 công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng phải sắp xếp, đổi mới. Đến nay, phương án sắp xếp, đổi mới 46 công ty này đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Hiện đã có 10 công ty hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới, giải thể theo phương án đã phê duyệt. Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi 7.939,2 ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng bàn giao về địa phương quản lý theo quy định. Cũng từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh 7 vụ tranh chấp, khiếu nại về đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường tại các địa phương như huyện Ea Súp, Ea H’leo, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Ana.

Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu kết luận cuộc họp

Để nâng cao hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đề xuất, kiến nghị một số vấn đề như xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để thực hiện các dự án di dân ngoài kế hoạch, đo đạc, lập bản đồ địa chính diện tích đất đã được các công ty, ban quản lý rừng bàn giao về địa phương quản lý; cho phép tỉnh rà soát riêng đối với phần diện tích đất lâm nghiệp không còn rừng, không có khả năng phục hồi rừng... để giải quyết đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất, thiếu đất, sắp xếp ổn định dân di cư ngoài kế hoạch; cho phép tỉnh công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất có nguồn gốc đất lâm nghiệp nhưng hiện trạng không còn rừng hoặc không có khả năng phục hồi rừng...

Các đại biểu trao đổi bên lề cuộc họp
Các đại biểu trao đổi bên lề cuộc họp

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Chiến đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thời gian vừa qua, nhất là việc đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Đồng thời đề nghị tỉnh tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường; tiếp tục triển khai thực hiện rà soát hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất tiếp nhận và có phương án sử dụng qũy đất phù hợp. Về những ý kiến, đề xuất của địa phương, đồng chí ghi nhận và cho biết sẽ tổng hợp, trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.