Multimedia Đọc Báo in

Giám sát việc giải quyết các vụ án hành chính tại TAND tỉnh

16:57, 14/09/2018

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 14-9, Đoàn công tác của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do Trưởng Ban Pháp chế Phạm Hát làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính tại TAND tỉnh thời gian từ 1-7-2016 đến 1-7-2018.

Tham gia Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Vĩnh Cảnh cùng đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Vĩnh Cảnh phát biểu tại buổi giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Vĩnh Cảnh phát biểu tại buổi giám sát.

Từ 1-7-2016 đến 1-7-2018, TAND tỉnh thụ lý 363 vụ án hành chính, đã giải quyết 279 vụ (đạt tỷ lệ 76,9%), còn lại 84 vụ đang tiếp tục giải quyết. Trong số các vụ đã thụ lý, giải quyết có 89 vụ có kháng cáo (chiếm 36,3%), kháng nghị có 4 vụ (chiếm 1,63%), kết quả xét xử phúc thẩm có 45 vụ y án, 16 vụ sửa án, hủy án 11 vụ.

Hầu hết các vụ án hành chính TAND hai cấp phải giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là các khiếu kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (218 vụ, chiếm 60,1% tổng số án hành chính)…

Đến nay, về cơ bản các vụ án hành chính được TAND hai cấp thụ lý, giải quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; nhiều vụ án hành chính phức tạp đã được TAND hai cấp kiên trì tổ chức đối thoại thành công, cơ quan hành chính đã chủ động khắc phục những sai sót, người khiếu kiện tự nguyện rút đơn; chất lượng giải quyết án hành chính được nâng lên… 

Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Duy Hữu trao đổi một số ý kiến với Đoàn giám sát.
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Duy Hữu giải trình với Đoàn giám sát.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TAND tỉnh đã nhìn nhận những thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hành chính như: chưa xác định đúng đối tượng giải quyết trong vụ án; việc xác minh, thu thập tài liệu, đánh giá các chứng cứ còn gặp khó khăn, chưa đầy đủ; một số vụ án sau khi tạm đình chỉ, thẩm phán chưa chủ động tác nghiệp, đôn đốc cơ quan chức năng liên quan phối hợp thực hiện; có những bản án, quyết định còn sai sót về số liệu, thông tin người tham gia tố tụng…

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát đề nghị TAND tỉnh cần bổ sung, chỉnh sửa số liệu thống nhất, phù hợp; xem xét lại tỷ lệ án sửa, án hủy và có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, TAND tỉnh cần đánh giá và có kiến nghị thêm về các nội dung trong mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính và tòa án; tiếp tục bồi dưỡng năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ tòa án nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả xét xử các vụ án…

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.