Multimedia Đọc Báo in

Tập trung phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên động vật

16:40, 14/09/2018

Sáng 14-9, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Tại điểm cầu Đắk Lắk, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng và các đơn vị, sở, ngành liên quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đắk Lắk

Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2017 tổng đàn gia súc của cả nước có khoảng 38,11 triệu con; gia cầm 385,46 triệu con. Riêng về đàn heo là 27,4 triệu con, giảm 5,7% so với năm 2016. Sản xuất chăn nuôi trong nước đang tạo ra khối lượng lớn sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được quan tâm nên việc kiểm soát dịch bệnh được thực hiện tốt hơn. Trong 8 tháng của năm 2018, cả nước xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 13.215 con; 9 ổ dịch lở mồm long móng, làm 612 con gia súc mắc bệnh; 1 ổ dịch heo tai xanh, với 20 con heo mắc bệnh; 1 ổ dịch dại trên đàn chó.

Đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100% khi heo bị nhiễm bệnh. Bệnh dịch này đầu tiên xuất hiện tại Châu Phi vào năm 1921. Đến ngày 10-9-2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi, với tổng số heo mắc bệnh là 228.311 con, số heo chết vì bệnh là 20.633 con. Đặc biệt, bệnh dịch này đã xuất hiện tại Trung Quốc hồi đầu tháng 8-2018. Và tính đến ngày 10-9, Trung Quốc đã xảy ra 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang), với 38.000 con heo buộc phải tiêu hủy. Bệnh dịch tả heo Châu Phi tại Trung Quốc đang có chiều hướng lây lan dần về phía Nam (đến các tỉnh gần với biên giới Việt Nam). Hiện nay, thế giới chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả heo Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh xâm nhiễm vào trong nước. Trong trường hợp phát hiện heo mắc bệnh, cần xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về bệnh dịch tả heo Châu Phi và các biện pháp phòng bệnh; nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm heo nhập lậu qua biên giới, kể cả quà tặng, biếu của cư dân biên giới; tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, không để bệnh lây nhiễm qua các tỉnh biên giới; triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chợ, giết mổ và xây dựng phương án xử lý nếu có dịch xảy ra; thành lập đoàn công tác để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn đi kiểm tra, giám sát tại các địa phương.

Ngoài ra, cần tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống các loại dịch bệnh bệnh nguy hiểm từng xảy ra tại Việt Nam như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh heo nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ bệnh trên gia súc, gia cầm và không để lây lan sang diện rộng

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.