Multimedia Đọc Báo in

Khẩn cấp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, khả năng mạnh lên thành bão

16:24, 22/11/2018

“Các Bộ, ngành, địa phương chủ động đề ra phương án ứng phó trước cơn bão số 9, trong đó bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân là nhiệm vụ hàng đầu…”

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến về ứng phó với áp thấp nhiệt đới - bão diễn ra sáng ngày 22-11, do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức.

Tại Hội nghị, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, sáng sớm nay (ngày 22-11), áp thấp nhiệt đới ngoài khơi xa Philippines đã vượt qua đảo Palawoan và đi vào Biển Đông. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Đây sẽ là cơn bão số 9 hoạt động ở khu vực trong năm 2018; trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão nên ở vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Cơn bão càng gần bờ càng di chuyển chậm và càng có khả năng mạnh lên và mức độ nguy hiểm của bão sẽ gia tăng. Dự báo, sáng ngày 24-11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 160 km về phía Đông, với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12; đến sáng ngày 25-11, vị trí tâm bão ở ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, sức gió gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Đặc biệt, sự tương tác giữa không khí lạnh (đang di chuyển từ phía Bắc xuống) và bão sẽ khiến cho diễn biến đường đi và cường độ của bão số 9 rất phức tạp, đồng thời gây mưa to đến rất to ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, khu vực Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, phần phía Bắc của các tỉnh miền Đông Nam bộ, với lượng mưa 300-500 mm, có nơi trong khu vực này lượng mưa có thể lên 600 mm… Do vậy, nguy cơ ngập lụt ở vùng thấp trũng, các khu vực đô thị là rất cao

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk, trong khoảng từ ngày 24 đến 26-11, trên địa bàn Đắk Lắk sẽ có mưa diện rộng, rải rác mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa toàn đợt phổ biến từ 100-200 mm; khu vực đông và phía Nam tỉnh phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 250 mm. Các huyện M’Đrắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Kar, Ea H’leo đề phòng gió giật mạnh trong cơn dông, sạt lở vùng ven sông, ngập úng vùng trũng thấp. 

ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh vùng Tây Nguyên không được chủ quan, cần có phương án ứng phó với mưa lũ, sạt lở cũng như bảo đảm an toàn hồ đập, tài sản và tính mạng của người dân. Các địa phương chủ động lên phương án sơ tán dân khỏi vùng trũng, thấp, nguy cơ xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở; có phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại khu công nghiệp, khu du lịch, nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, kho tàng, cột tháp, chặt tỉa cây xanh ở các khu đô thị; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời khi có dông lốc, lũ quét khi mưa lớn, hạn chế tối đa thiệt hại do bão, lũ; triển khai ngay việc kiểm tra, giám sát các hồ đập để có phương án ứng phó kịp thời…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động đề ra phương án và rà soát các phương án ứng phó bão, không được chủ quan trong công tác ứng phó bão. Trong đó, chú ý đến phương án di dời, sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn, tính mạng tài sản của người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Yêu cầu Bộ Công thương cử đoàn công tác phối hợp với các địa phương kiểm tra các hồ thủy điện, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi xả lũ; Lực lượng vũ trang cần tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có sự cố tìm kiếm, cứu nạn; các địa phương tiến hành kiểm tra ngay các hồ đập để có phương án linh hoạt, vừa đảm bảo an toàn các hồ chứa nhưng đồng thời cũng vận hành một cách phù hợp để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt mùa khô năm 2018-2019…

Minh Thuận

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.