Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi

16:35, 24/05/2019

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công điện khẩn gửi lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương về tăng cường các biện pháp phòng chống Dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh Dịch tả heo châu Phi, nhưng dịch bệnh đã xảy ra tại 2.605 xã, 232 huyện của 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 tỉnh giáp ranh với Đắk Lắk là tỉnh Khánh Hòa và Đắk Nông. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Đắk Lắk thành lập đoàn kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, đặc biệt tại những địa phương giáp ranh với tỉnh Đắk Nông và tỉnh Khánh Hòa; kiểm tra các điểm thu gom, cơ sở giết mổ động vật.

ảnh
Cán bộ thú y cơ sở thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột)

Giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đồng thời thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động mua bán, kinh doanh, giết mổ heo trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Chi cục Thú y vùng V kiểm tra các địa phương có biên giới giáp với nước Campuchia (Buôn Đôn và Ea Súp); tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các trạm, chốt kiểm dịch đầu mối giao thông, nhất là các trạm giáp ranh với 2 tỉnh đã có dịch bệnh là Khánh Hòa và Đắk Nông; thực hiện chủ động lấy mẫu giám sát vi rút Dịch tả heo châu Phi theo quy định.

Giao Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông tăng cường phối hợp với cơ quan thú y trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt kiểm dịch đầu mối giao thông; chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để các điểm giết mổ gia súc trái phép còn tồn tại trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với những đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các bến xe, chủ phương tiện vận chuyển ký cam kết không vận chuyển heo và sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là chủ phương tiện xe khách.

ảnh
Trang trại chăn nuôi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thực hiện vệ sinh chuồng trại để phòng bệnh Dịch tả heo châu Phi

Cục Quản lý thị trường tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải quan, Sở Công thương căn cứ chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt tại cửa khẩu, dọc biên giới các huyện giáp với Campuchia, các tuyến quốc lộ, sân bay, chợ, điểm buôn bán… về việc mua bán, vận chuyển heo, sản phẩm của heo và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về kiểm dịch thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk phối hợp Sở NN-PTNT, các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân hiểu rõ về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh để chủ động phòng, chống dịch, bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ thịt heo sạch và không gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân…

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tần suất kiểm tra, kiểm soát, trong đó tập trung kiểm tra những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, việc áp dụng “5 không” tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh heo, các sản phẩm heo trái phép trên địa bàn. Đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vứt bỏ xác động vật trên các sông, suối hoặc khu vực giáp ranh với các tỉnh có dịch bệnh nhằm khoanh vùng xử lý ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh làm lây lan dịch bệnh…

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.