Multimedia Đọc Báo in

Tập trung các giải pháp để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

22:08, 04/07/2019

Ngày 4-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Phiên họp trực truyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành trong cả nước nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2019.

Tham dự Phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; cùng với các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh.

ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp trực tuyến. (Ảnh chụp qua màn hình)

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (tăng 2,64%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây), môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 2.391 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 745.485 tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán năm 2019, tăng 13,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 122,7 tỷ USD, tăng 7,3%. Về hoạt động phát triển doanh nghiệp, trong 6 tháng có 66.958 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 860.195 tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018…

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế của cả nước cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, có 60/63 tỉnh, thành phố có dịch, tiêu hủy trên 2,82 triệu con heo, chiếm 10% tổng đàn; tỷ lệ tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng 16,1%; nhiều dự án trọng điểm về năng lượng, giao thông, hạ tầng chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng; xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,8%, trong 6 tháng cuối năm 2019, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách tài khóa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh tăng trưởng xuất nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, tạo sự bứt phá về xây dựng Chính phủ điện tử…

ảnh
Quang cảnh Phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế thế giới để có giải pháp phù hợp, nhất là tận dụng các cơ hội của Hiệp định EVFTA vừa được ký kết; tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đang phải đối mặt; các địa phương cần có giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là đầu tư về công nghệ cao và chuỗi giá trị; ngành du lịch chú ý đến việc xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách, trong đó chú ý đến việc giảm tác động xấu đến thiên nhiên, giảm rác thải nhựa; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các ngành kinh tế; triển khai mạnh các giải pháp chống thất thu thuế; tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia và các chính sách an sinh xã hội…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.