Multimedia Đọc Báo in

Nhiều địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng bão số 6

15:49, 11/11/2019

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6 đổ bộ vào từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, từ ngày 10-11 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, hàng trăm héc-ta cây trồng và nhà dân bị ngập lụt.

Cụ thể, lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 9-11 đến 6 giờ ngày 11-11 ở các vùng trong tỉnh phổ biến 150-200 mm, riêng khu vực phía Đông, Đông Bắc và Đông Nam mưa rất to. Đơn cử như tại trạm Cư Yang 311 mm; trạm Ea Ô (huyện Ea Kar) 284 mm; trạm Ea Pil (huyện M’Đrắk) 288 mm; trạm Buôn Triết (huyện Lắk) 281 mm; trạm Ea Toh (huyện Krông Năng) 232 mm. Mực nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục dâng cao, đặc biệt các suối khu vực phía Đông. Mưa lũ đã gây ngập lụt nhiều diện tích cây trồng và nhà dân ở các địa phương trong tỉnh.

Rẫy cà p
Rẫy cà phê của một hộ dân xã Ea Păl (huyện Ea Kar) bị ngập.

Ghi nhận tại huyện Ea Kar vào sáng 11-11, nhiều diện tích cà phê và đường giao thông tại thôn 6B (xã Ea Păl) bị ngập cục bộ và 11 ha ao cá của các hộ dân trên địa bàn xã bị ngập, người dân tranh thủ bắt cá để giảm bớt thiệt hại. Chị Trần Thị Hường thôn 13 (xã Ea Păl) cho biết, gia đình chị có 4 sào quýt trồng gần 4 năm, nay bị ngập hết, bao nhiêu công chăm sóc, vốn liếng bỏ ra, nguy cơ mất trắng khó tránh khỏi. Giờ chỉ hy vọng trời tạnh mưa, nước rút nhanh thì may ra cứu vườn quýt, chứ mọi nguồn thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào thu hoạch quýt.

d
Ao cá của một hộ dân xã Ea Păl bị ngập, tràn.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Păl cho hay, địa phương có hơn 300 ha ngô, cây ăn quả, cà phê, cao su, điều ở thôn 6B, 13, 4, 8 bị ngập; 11 ha ao cá bị vỡ, tràn; 34 hộ bị chia cắt cục bộ, trong đó có 6 hộ đã được di dời. Mưa to từ ngày 10-11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão xã đã phân công thành viên phụ trách địa bàn, kịp thời báo cáo tình hình để có hướng xử lý. Vào ngày 10-11, trùng ngày nghỉ cuối tuần, nhưng chính quyền địa phương đã phân công, chỉ đạo lực lượng trực tiếp tại các vùng bị ngập lụt theo phương châm "4 tại chỗ".

d
Đường liên xã Cư Bông - Ea Ô - Cư Elang (huyện Ea Kar) bị chia cắt.

Tại xã Cư Bông, địa phương đã cảnh báo sớm nên khi có mưa lớn nhân dân chủ động phòng chống, không có thiệt hại về người, toàn xã ngập khoảng 70 ha cây trồng các loại. 5 giờ sáng ngày 11-11 có 3 điểm bị chia cắt từ thôn 20 đi thôn 21, ngập khoảng 0,7 m; đập buôn Trưng qua tràn 0,8 m; đường liên xã Cư Bông - Ea Ô - Cư Elang tại điểm thôn 22 lũ cuốn trôi 15 m, tạo độ sâu 7,5 m. Ông Nguyễn Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Cư Bông cho biết, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão xã đã phân công thành viên xuống các thôn buôn, chuẩn bị đèn pin, quần áo sẵn sàng ứng cứu. Cùng với đó, huy động lực lượng dọn cây cối trên đường, cảnh báo cho nhân dân không đi lại ở những tuyến đường nguy hiểm, tạm thời cho học sinh vùng bị chia cắt nghỉ học. 

d
Hàng trăm nhà dân ở xã Đắk Liêng (huyện Lắk) bị ngập sâu.

Tại huyện Lắk, diện tích cây trồng ngập lụt tập trung chủ yếu ở các xã: Đắk Nuê, Đắk Liêng, Bông Krang, Yang Tao và thị trấn Liên Sơn; 300 nhà dân bị ngập ở xã Đắk Liêng, thị trấn Liên Sơn. Chiều ngày 10 và sáng 11-11, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã xuống cơ sở để nắm tình hình, phối hợp với chính quyền địa phương chủ động triển khai công tác phòng, chống lụt, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

d
Cánh đồng lúa xã Yang Tao (huyện Lắk) chìm trong nước.

 Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch UBND xã Đắk Nuê cho biết, ngay khi nghe thông tin nước lũ về, UBND xã đã báo cáo với huyện và trực tiếp xuống kiểm tra tình hình. Lúc 8 giờ tối ngày 10-11, nước bắt đầu dâng, diện tích hoa màu ngập hết. Thống kê sơ bộ, toàn xã có 90 ha lúa chuẩn bị thu hoạch, 25 ha khoai mới xuống giống và 15 ha ngô bị ngập. Đường dẫn vào thôn Yên Thành 1 và Yên Thành 2 bị ngập, trong đó có 4 hộ bị cô lập, hiện đã được lực lượng cứu hộ đưa ca nô di dời ra nơi an toàn. 

h
Lãnh đạo Sở NN-PTNT kiểm tra tình hình mưa lũ tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk).

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 01/CĐ-PCTT ngày 10-11 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời triển khai công tác ứng phó với bão số 6. Sáng ngày 11-11 các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, chính quyền các địa phương đã cử lực lượng, bám sát địa bàn, sẵn sàng các phương án phòng, chống lũ với phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, cây trồng, nhà cửa của người dân.

Nhóm PV

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.