Multimedia Đọc Báo in

Tọa đàm trực tuyến về voi Tây Nguyên

17:10, 09/08/2020

Trước tình trạng nguy cấp của quần thể voi nhà và voi hoang dã tại Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng, sáng 9-8, Tổ chức Động vật châu Á đã tổ chức hoạt động Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Voi Tây Nguyên: Tương lai nào cho voi nhà và voi hoang dã tại Tây Nguyên?”

Buổi tọa đàm có sự tham gia của bà Dionne Slagter, Quản lý Phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) cùng đại diện Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam, Trường Đại học Tây Nguyên.

Đại diện Tổ chức WWF - Việt Nam
Đại diện Tổ chức WWF tại Việt Nam chia sẻ một số thông tin về nỗ lực bảo tồn voi tại buổi tọa đàm. (Ảnh chụp từ màn hình)

Nội dung của buổi tọa đàm xoay quanh các chủ đề: Tổng quan về thực trạng voi nhà và voi hoang dã tại Việt Nam và tại Đắk Lắk; Phúc lợi động vật của voi nhà; Hướng phát triển du lịch nhân đạo gắn liền với voi - Mô hình du lịch thân thiện với voi; Nỗ lực bảo tồn voi hoang dã ở Việt Nam và tại các tỉnh Tây Nguyên; Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hạn chế xung đột voi - người tại vùng đệm của Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk).

Buổi tọa đàm đã giúp những người quan tâm đến voi có cơ hội hiểu thêm về thực trạng của voi nhà và voi hoang dã tại Đắk Lắk nói chung, Việt Nam nói riêng. Qua đó kêu gọi cộng đồng đối xử nhân đạo với voi, chung tay bảo tồn voi nhà, bảo vệ voi hoang dã, hạn chế những xung đột giữa voi và người.

Du lịch cưỡi voi, một trong những sản phẩm du lịch đặc thù ở Đắk Lắk đang được tuyên truyền hạn chế và chuyển đổi sang mô hình thân thiện hơn
Du lịch cưỡi voi, một trong những sản phẩm du lịch đặc thù ở Đắk Lắk đang được hạn chế và chuyển đổi sang mô hình thân thiện hơn.

Tính đến tháng 6-2020, Việt Nam chỉ còn 87 cá thể voi nhà, một nửa trong số đó (44 cá thể) tập trung tại tỉnh Đắk Lắk. Phần lớn voi nhà bị khai thác trong hoạt động du lịch cưỡi voi, số còn lại được trưng bày trong các vườn thú, khu du lịch, nhiều nơi có điều kiện không phù hợp với voi. Hầu hết voi nhà đã lớn tuổi và chưa ghi nhận trường hợp nào voi con được sinh ra thành công trong gần 40 năm trở lại đây. Voi hoang dã ở Việt Nam hiện còn chưa đến 114 cá thể, phân bố chủ yếu dọc biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia. Quần thể voi hoang dã cũng đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa về môi trường sống bị suy giảm, xung đột voi – người ngày càng trở nên gay gắt...

Lê Hương

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.