Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến đánh giá quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam

15:30, 24/12/2020

Sáng 24-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam nhằm đánh giá quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Cuộc làm việc được truyền hình trực tuyến đến 27 điểm cầu trong cả nước. Tham dự phía điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện ngành liên quan.

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động (CNLĐ) và hoạt động công đoàn được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời. Tổ chức công đoàn đã phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nhất là chính sách liên quan đến người lao động. Đặc biệt, trong năm 2020, công đoàn đã đồng hành cùng Chính phủ trong vận động công nhân, viên chức, lao động thực hiện tốt việc phòng, chống dịch Covid - 19, góp phần vào những kết quả quan trọng trong thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh Chính phủ)

Tính đến nay, cả nước có khoảng 53,5-54 triệu người từ 15 tuổi trở lên có việc làm (nữ chiếm khoảng 48%); số lượng lao động làm công hưởng lương là khoảng 24-24,5 triệu người, trong đó, CNLĐ trong các doanh nghiệp chiếm trên 60%. Sau 5 năm, số CNLĐ có việc làm tăng 26%, trong đó số có việc làm bền vững, thu nhập cao tăng đều các năm; mức lương tối thiểu vùng tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35% góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động.

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền các cấp và doanh nghiệp, từ năm 2016 - 2020 đã có gần 22 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán với tổng số tiền ước tính 11.626 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 13.802 nhà Mái ấm công đoàn với số tiền gần 420 tỷ đồng.

Đồng hành cùng Chính phủ tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành 21 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai các hoạt động theo từng giai đoạn cụ thể; tổ chức trao hỗ trợ với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng; tổ chức làm việc trực tuyến với LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để nắm tình hình công nhân lao động, công tác phòng, chống dịch...

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, có gần 160 nghìn lao động được hưởng gói an sinh của Nhà nước và doanh nghiệp với tổng số tiền 213 tỷ đồng; hơn 900 nghìn công nhân lao động gặp khó khăn được tặng quà với tổng số tiền 181,4 tỷ đồng; có 6.928 công đoàn cơ sở kết nối thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc, giãn việc tại doanh nghiệp …

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh về số lượng, chất lượng, ngành nghề và các thành phần kinh tế. Trong bối cảnh mới, nhất là những tác động của hội nhập quốc tế, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các tổ chức công đoàn phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến người lao động; tham gia xây dựng thể chế, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; kịp thời phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề lớn; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động…

Việc chăm lo toàn diện đến đời sống người lao động, tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò trách nhiệm rất lớn. Để xây dựng đội ngũ công nhân, lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần thực hiện đồng bộ cơ chế chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, dân tộc thiểu số; dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư các thiết chế phục đời sống cho CNLĐ; cải thiện điều kiện làm việc cho CNLĐ. Tổng LĐLĐ, các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp tốt với các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp, người sử dụng lao động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.