Multimedia Đọc Báo in

Vấn đề bình đẳng dân tộc - từ quan điểm của Ph.Ăngghen đến Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam

03:56, 28/11/2011

Ph.Ăngghen (1820-1895)
Ph.Ăngghen (1820-1895)
1. Ph.Ăngghen là một trong những người sáng lập lý luận dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin. Riêng về vấn đề bình đẳng dân tộc, Ph. Ăngghen đã để lại cho hậu thế nhiều quan điểm có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Tiêu biểu là những quan điểm sau:

- Vấn đề bình đẳng dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng, Ph.Ăngghen khẳng định: “sự bình đẳng giữa các dân tộc cũng cần thiết như sự bình đẳng giữa các cá nhân” (1).

- Quyền bình đẳng giữa các dân tộc gắn với tự do của con người, mang tính chất chung vượt ra ngoài khuôn khổ của quốc gia. Bình đẳng dân tộc không chỉ là bình đẳng giữa các dân tộc trong một quốc gia mà còn giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các màu da, chủng tộc. Đó là tính nhân loại, phổ biến của bình đẳng dân tộc. Ph.Ăngghen viết: “trong một hệ thống những quốc gia độc lập, quan hệ với nhau trên một cơ sở bình đẳng và ở vào một trình độ phát triển tư sản xấp xỉ ngang nhau, cho nên lẽ dĩ nhiên là yêu sách về bình đẳng phải mang một tính chất chung, vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia riêng biệt, là tự do và bình đẳng phải được tuyên bố là những quyền của con người” (2).

- Trong xã hội có giai cấp, mỗi giai cấp nhận thức về vấn đề dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc, bình đẳng dân tộc với những lập trường, quan điểm khác nhau tùy theo lợi ích của giai cấp mình. Trong xã hội tư bản, trong quan hệ tư sản, điển hình là ở Mỹ, bình đẳng dân tộc mang “đặc thù tư sản”, mang bản chất giai cấp tư sản. Ph.Ăngghen chỉ rõ: “… Hiến pháp của nước Mỹ, hiến pháp đầu tiên thừa nhận quyền của con người, đồng thời cũng lại chuẩn y luôn cả chế độ nô lệ của người da màu đang tồn tại ở nước Mỹ; đặc quyền giai cấp bị cấm chỉ, đặc quyền chủng tộc được thần thánh hóa”(3).

- Thống nhất với quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen cũng kết luận: cơ sở, nguồn gốc của tình trạng bất bình đẳng dân tộc chính là chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, sự bất bình đẳng, sự áp bức, bóc lột giữa người với người, giữa giai cấp với giai cấp. Do đó, để có bình đẳng thật sự giữa các dân tộc thì phải xóa bỏ nguồn gốc sinh ra bất bình đẳng dân tộc. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Hãy xóa tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”(4), và “khi mà sự đối đầu giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”(5).

- Trong thời đại ngày nay, muốn giải quyết triệt để vấn đề dân tộc, thực hiện bình đẳng dân tộc thì phải đứng vững trên lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân. Vì chỉ giai cấp công nhân là giai cấp có điều kiện và khả năng lãnh đạo toàn xã hội thủ tiêu mọi áp bức, bóc lột, thực hiện công bằng, bình đẳng xã hội trong quan hệ dân tộc, tức là tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, thủ tiêu sự thống trị của giai cấp tư sản. Ở tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, hai ông chỉ rõ: “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu”(6). Trong quá trình đó, phải thực hiện “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”, “lấy liên minh anh em công nhân của các dân tộc để chống lại liên minh anh em của giai cấp tư sản của các dân tộc”…

Những tư tưởng, quan điểm trên đây của Ph.Ăngghen là những luận cứ khoa học để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và những người cộng sản tham khảo, nghiên cứu, vận dụng trong việc nhận thức và giải quyết các vấn đề dân tộc, công tác dân tộc trong các điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

2. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, trên cơ sở lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về dân tộc và bình đẳng dân tộc một cách đúng đắn, hiệu quả. Những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong 25 năm đổi mới vừa qua có sự đóng góp quan trọng của việc đổi mới chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng ta. Tiếp tục những thắng lợi đó, theo tinh thần của Ph.Ăngghen nói riêng và chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, các Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã có những quan điểm, chủ trương, giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề dân tộc và thực hiện bình đẳng dân tộc trong điều kiện mới.
Tinh thần tổng quát là: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”(7); “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế”; “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế”(8)…

Cụ thể:
Thứ nhất, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng. Đây là một nguyên tắc cơ bản về chính sách dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta. Bình đẳng giữa các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bao hàm bình đẳng trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tất cả mọi người dân trong Tổ quốc độc lập và thống nhất, bất kể là người thuộc dân tộc đa số hay thiểu số đều có quyền bình đẳng như nhau, ngang nhau trong tư cách công dân, trước pháp luật Nhà nước, bình đẳng trong làm chủ chế độ chính trị và xã hội của mình, và quan trọng là bình đẳng về cơ hội phát triển, công bằng về cơ hội phát triển, trong đó có công bằng về hưởng thụ lợi ích dựa trên những đóng góp và cống hiến của mình. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam… Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”(9).

Thứ hai, về đoàn kết dân tộc, Đảng ta khẳng định: “đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; …chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung…để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”(10). “Đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(11). Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo.

Thứ ba, các dân tộc tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc, trong đó giữa các dân tộc có những khác biệt về nhiều phương diện, nhất là về số lượng dân cư và trình độ phát triển. Do đó, để tồn tại và phát triển tất yếu phải đoàn kết, gắn bó, và giúp đỡ nhau, thực sự hiểu biết và tôn trọng nhau. Sự giúp đỡ, tương trợ đúng với nghĩa lành mạnh của nó chính là giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, cùng nhau hợp tác, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng hưởng tự do và hạnh phúc, cùng làm chủ giang sơn, cơ đồ, sự nghiệp chung. Đây mới thực sự là tư tưởng bình đẳng trong quan hệ dân tộc dựa trên sự tin cậy, thương yêu lẫn nhau. Đảng ta khẳng định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”(12).

Thứ tư, thực hiện bình đẳng, đoàn kết, phát triển dân tộc phải gắn liền với việc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động thù địch, chia rẽ dân tộc. Hiện nay, dù hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu hướng lớn nhưng đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp. Những điều này tác động đến nước ta về nhiều mặt, trong đó tác động đến cả vấn đề dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc. Do đó, việc thực hiện bình đẳng dân tộc, đoàn kết dân tộc, phát triển dân tộc ở nước ta không tách rời việc đấu tranh với những tư tưởng, hành động sai trái, thù địch, kích động chia rẽ dân tộc. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”(13).

Thứ năm, thực hiện bình đẳng dân tộc, đoàn kết dân tộc và phát triển dân tộc bao hàm cả việc mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia, dân tộc trong cộng đồng quốc tế trên lập trường giai cấp công nhân, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế. Về mặt này, Đảng ta khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”… Trong đó, “Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…”(14) (Tr83 -84).

Những nội dung trên đây là những quan điểm có tính nguyên tắc, những chủ trương, giải pháp cơ bản, những phương châm mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta để giải quyết vấn đề dân tộc và thực hiện bình đẳng dân tộc trong thời kỳ đổi mới. Những nội dung, nguyên tắc này gắn bó, quan hệ chặt chẽ với nhau, được xác định và triển khai đồng bộ trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta. Đó là con đường, nội dung, nguyên tắc, phương châm, giải pháp để giải quyết vấn đề dân tộc, phát triển dân tộc, thực hiện bình đẳng dân tộc theo tinh thần của Ph.Ăngghen nói riêng và chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung trong điều kiện mới.

ThS. Nguyễn Anh Tuấn

 

----------------

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB CTQG, H, 1999, tập 39, tr 125.
(2), (3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB CTQG, H, 2002, tập 20, tr 153.
(4), (5), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB CTQG, H, 2002, tập 4, tr 624; 623 – 624.
(7), (8),(9), (10), (11), (12), (13), (14), Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, H, 2011, tr 70; 65, 66; 81; 48; 240; 81; 245; 83 – 84.


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.