Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch

10:00, 12/08/2013

“Diễn biến hòa bình” (DBHB) là chiến lược tiến công của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế nhằm vào các nước xã hội chủ nghĩa và các Đảng Cộng sản trên mọi lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, an ninh, đối ngoại..., trong đó coi việc phá hoại về tư tưởng - văn hóa là khâu đột phá có tính quyết định nhằm từng bước chuyển hóa, đẩy lùi và đi đến xóa bỏ CNXH trên phạm vi toàn thế giới, làm thay đổi chính trị ở các nước XHCN và các nước có khuynh hướng phát triển phi tư bản chủ nghĩa.

Để thực hiện chiến lược “DBHB” ở nước ta, các thế lực thù địch tập trung xây dựng các tổ chức phản động trong và ngoài nước, sử dụng các phương tiện thông tin hoạt động với cường độ cao để tiến hành chiến tranh tâm lý. Tập hợp bọn phản động, kẻ xấu lợi dụng tự do, tín ngưỡng để nắm quần chúng, dùng chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”... để tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chúng khai thác triệt để số cán bộ biến chất, thoái hóa, bất mãn... để hình thành lực lượng chính trị đối lập; lôi kéo, mua chuộc, sử dụng các lực lượng trong thanh niên, văn nghệ sĩ, trí thức... để chống phá cách mạng.

Trong những năm qua, trên địa bàn khu vực Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng, “DBHB” của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Chúng đã triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo; lợi dụng những khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin, trình độ dân trí còn thấp của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để lừa bịp, xuyên tạc, lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc, khống chế, ép buộc... nhằm gây mất ổn định chính trị, tạo cớ can thiệp.

Nhận rõ âm mưu “DBHB” của các thế lực thù địch, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác đấu tranh, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Các cấp ủy, các lực lượng trên địa bàn, các “binh chủng” làm công tác tư tưởng - văn hóa đã tập trung tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không nghe, không tin, không làm theo lời xúi giục của bọn phản động.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện, thành ủy đã duy trì Hội nghị Báo cáo viên; phối hợp biên soạn các thông tin chuyên đề, các tài liệu tuyên truyền và Thông tin nội bộ cung cấp thông tin có định hướng cho đội ngũ Báo cáo viên, các cấp ủy cơ sở và chi bộ Đảng. Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố hằng năm đã mở hàng chục lớp đào tạo, bồi dưỡng các loại nội dung, chương trình cho hàng trăm học viên và thường xuyên tổ chức báo cáo Nghị quyết, thời sự cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh có nhiều tin, bài, phóng sự vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; thông tin về những thành tựu của đất nước, của tỉnh nhằm phản bác các luận điệu xuyên tạc của địch. Cùng với việc đấu tranh chống những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, bài trừ văn hóa độc hại, phản động, mê tín, dị đoan, các cấp ủy, chính quyền và ngành văn hóa đã chú trọng xây dựng, phát triển sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức nhiều lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phong phú nhân các sự kiện chính trị, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước.

Cùng với các hoạt động tư tưởng - văn hóa trực tiếp nêu trên, các cấp uỷ Đảng, chính quyền còn thường xuyên tổ chức các lực lượng bám địa bàn, đi sát cơ sở nắm bắt mọi diễn biến tình hình, kịp thời xử lý, không để phát sinh “điểm nóng”, tổ chức phong trào quần chúng đấu tranh phòng chống tội phạm và liên tục tổ chức các đợt tấn công, truy quét các đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội. Xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số. Thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là Quyết định 132, 134 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Qua triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ nêu trên, nhận thức của nhân dân về âm mưu “DBHB” của các thế lực thù địch có chuyển biến tích cực, tinh thần cảnh giác cách mạng được nâng lên. Tình hình chính trị cơ bản ổn định, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, kinh tế xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng; các lực lượng và đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng trưởng thành, các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo đạt những kết quả đáng khích lệ; lòng tin của nhân dân được củng cố, nâng lên. Những thành quả trên là nền tảng vững chắc đánh bại âm mưu “DBHB” của các thế lực thù địch trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, đấu tranh chống “DBHB” ở trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng còn những hạn chế, khuyết điểm. Việc nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, nắm quần chúng chưa chắc; xử lý “điểm nóng” còn bị động, lúng túng, không kịp thời đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đấu tranh chống âm mưu “DBHB” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các “binh chủng” làm công tác tư tưởng – văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng giáo dục về truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống đoàn kết của quê hương, đất nước, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức sâu sắc về âm mưu “DBHB” của các thế lực thù địch, bộ mặt phản dân, hại nước, lừa bịp của bọn phản động trong và ngoài nước nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng và khối đoàn kết các dân tộc.

              Xuân Toản

   (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.