Multimedia Đọc Báo in

Các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk

11:05, 07/10/2015

LTS: Chặng đường 75 năm hoạt động (1940-2015), Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã trải qua 15 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội Đảng bộ là một dấu mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và bài học kinh nghiệm, cả trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương Đắk Lắk dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Xin giới thiệu với bạn đọc 15 kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh.

* ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH ĐẮK LẮK LẦN THỨ I (tháng 8-1960)

Năm 1960, để tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở các địa bàn phía Nam tỉnh Đắk Lắk, Liên khu ủy V quyết định chia Đắk Lắk ra làm bốn đơn vị riêng: B3, B4, B5, B6.

Tháng 8-1960, được sự chỉ đạo của Liên khu ủy V, tỉnh Đắk Lắk (B3) lúc này gồm 4 huyện M’Đrắk, đông Cheo Reo, tây Cheo Reo và Buôn Hồ triệu tập Đại hội Đảng bộ lần thứ I tại vùng núi Cư Dju. Về dự Đại hội có 50 đại biểu được bầu từ các huyện và các cơ quan của tỉnh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 13 đồng chí, đồng chí Hồng Ưng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Từ giữa năm 1961, các đồng chí Hồng Ưng và Nguyễn Liên được điều động về Khu ủy khu VI, đồng chí Nguyễn Tuấn (Ama Đăng) Phó Bí thư Tỉnh ủy lên làm Bí thư. Tháng 6-1962, đồng chí Nguyễn Tuấn về Khu VI, đồng chí Nguyễn Viên (Bình) Trưởng ban Quân sự tỉnh làm Quyền Bí thư. Cuối năm 1962, Khu ủy VI điều đồng chí Nguyễn Liên về làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ I đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong những năm đầu của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, củng cố thêm lòng tin của cán bộ, đảng viên. Sau Đại hội là thời kỳ phong trào cách mạng trong tỉnh có bước biến chuyển mạnh mẽ với phong trào Đồng khởi giành quyền làm chủ nông thôn từ cuối năm 1960 – 1961.

* ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH ĐẮK LẮK LẦN THỨ II (tháng 8-1963)

Tháng 8-1963, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (gồm 4 huyện M’Đrắk, đông Cheo Reo, tây Cheo Reo và Buôn Hồ) họp tại Ea Drăh vùng căn cứ đông Cư Dju.

Đại hội kiểm điểm tình hình, sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong thời kỳ địch chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Nhiệm vụ trung tâm là phát động quần chúng phá kìm, phá ấp giành lại nông thôn. Đại hội cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ, khắc phục tư tưởng ngại gian khổ, tập trung cho công tác tiến công ra phía trước.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa II, đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Sau Đại hội, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã nhanh chóng lãnh đạo toàn dân phá thế bao vây của địch, chống bình định trọng điểm, phá ấp giành dân. Đến 1965, đại bộ phận nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giải phóng, các ấp chiến lược của địch hầu hết bị phá rã. Phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh đã chặn đứng kế hoạch bình định nông thôn của địch.

Thắng lợi của quân và dân các dân tộc Đắk Lắk đã góp phần cùng quân dân khu V và miền Nam làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.

* ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH ĐẮK LẮK LẦN THỨ III (tháng 7-1966)

Tháng 10-1965, Khu ủy V quyết định hợp nhất B3 và B5 thành tỉnh Đắk Lắk, do đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo), Bí thư B5 về làm Bí thư tỉnh Đắk Lắk.

Để kiện toàn sự lãnh đạo của tỉnh sau khi hợp nhất B3 (gồm 4 huyện M’Đrắk, đông Cheo Reo, tây Cheo Reo và Buôn Hồ) và B5 (gồm huyện Lắk, một số vùng phía bắc huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đức Xuyên và một số làng phía nam đường 21), tháng 7-1966, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III được triệu tập tại vùng căn cứ phía Nam của tỉnh (Ea Play xã Đăk Tuôr).

Đại hội kiểm điểm tình hình và sự chỉ đạo của tỉnh, đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy. Đại hội bầu Ban Chấp hành mới của tỉnh, đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III đã tạo thêm niềm tin sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Trong những năm chống “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, Đảng bộ, quân và dân Đắk Lắk đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, chịu nhiều gian khổ, hy sinh. Với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, địch tập trung càn quét đánh phá làm cho vùng căn cứ, vùng giải phóng của ta bị thu hẹp. Nhưng quân và dân Đắk Lắk đã kiên cường bám trụ, liên tục đánh địch, giữ vững thế chủ động trên chiến trường. Đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đắk Lắk là một trong những chiến trường thể hiện tốt quyết tâm chiến lược của Trung ương, tấn công chiếm lĩnh được nhiều mục tiêu quan trọng trong thị xã, phối hợp nhịp nhàng giữa tấn công quân sự với công tác binh vận và phong trào nổi dậy của quần chúng, giữa nông thôn và đô thị, đưa hàng vạn quần chúng nổi dậy với khí thế khởi nghĩa sôi nổi và quyết liệt.

Những thắng lợi của quân và dân Đắk Lắk đã góp phần cùng với quân dân miền Nam làm thất bại “Chiến lược chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán 4 bên ở Paris.

* ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH ĐẮK LẮK LẦN THỨ IV (THÁNG 4-1969)

Bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với chiến thuật “quét và giữ”, thực hiện kế hoạch bình định cấp tốc càn quét vùng giáp ranh, ngăn chặn và đẩy quân chủ lực của ta ra xa, kết hợp với lùa xúc dân vào các khu dồn, ấp chiến lược. Đây là thời kỳ phong trào cách mạng trong tỉnh gặp nhiều khó khăn nhất.

Trong bối cảnh đó, tháng 4-1969, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV được tiến hành tại buôn M’Năng Dơng, vùng căn cứ phía Nam của tỉnh.

 Đại hội kiểm điểm tình hình và sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong thời kỳ chống “Chiến tranh cục bộ”, đề ra nhiệm vụ chống “bình định nông thôn” của địch. Đại hội nhấn mạnh: phải tập trung toàn bộ lực lượng chống bình định, phát động nhân dân giành quyền làm chủ nông thôn.

Đại hội bầu Ban Chấp hành mới khóa IV, đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, sau đó Thường vụ Khu ủy V quyết định đưa đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh) Khu ủy viên Khu V về làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Liên về Khu V nhận công tác mới.

* ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH ĐẮK LẮK LẦN THỨ V (tháng 10-1971)

Tháng 10-1971, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V họp tại buôn Ngô, vùng căn cứ phía Nam của tỉnh.

Đại hội kiểm điểm tình hình từ sau Tết Mậu Thân và bàn phương hướng nhiệm vụ chống “Việt Nam hóa chiến tranh”, chống bình định và lấn chiếm, chuẩn bị cho đợt hoạt động năm 1972.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa V gồm 31 đồng chí, đồng chí Huỳnh Văn Cần được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Trong những năm chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, quân và dân Đắk Lắk đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, cùng với quân và dân miền Nam liên tục tấn công địch, chống phá kế hoạch bình định của địch, giữ vững và phát triển phong trào, góp phần làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam từ năm 1969-1972 cùng với thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở miền Bắc đã buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam (tháng 1-1973), rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

* ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH ĐẮK LẮK LẦN THỨ VI (tháng 9-1973)

Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, tháng 9-1973, tại buôn Ea M’Dlan vùng căn cứ phía Bắc của tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VI được tiến hành.

Đại hội quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương khóa III về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”; kiểm điểm tình hình chung, đề ra nhiệm vụ cụ thể của tỉnh trong tình hình mới.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa VI gồm 27 đồng chí, đồng chí Huỳnh Văn Cần tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Trong 2 năm 1973-1974, quân Mỹ và quân chư hầu đã rút hết khỏi miền Nam, ngụy quân, ngụy quyền Sài gòn tuy còn ngoan cố đẩy mạnh lấn chiếm, chống phá cách mạng, nhưng thế và lực của chúng ngày càng suy yếu, các lực lượng cách mạng ở miền Nam tiếp tục giành nhiều thắng lợi mới.

Thời cơ lịch sử đã đến, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, ngày 10-3-1975, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Đắk Lắk phối hợp với bộ đội chủ lực, tấn công như vũ bão và làm nên chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk. Trận đánh Buôn Ma Thuột là trận đánh đột phá, đòn điểm trúng huyệt, tạo đột biến cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới – giai đoạn cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

* ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH ĐẮK LẮK LẦN THỨ VII (vòng I tháng 11-1976; vòng II tháng 6-1977)

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII (vòng I) được tiến hành từ ngày 12 đến ngày 21-11-1976 tại thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Đắk Lắk. Tham dự Đại hội có 261 đại biểu (bao gồm cả dự khuyết) đến từ 11 đảng bộ trực thuộc, đại diện cho gần 4.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội đã khẳng định những thành tích lớn lao mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đắk Lắk đã giành được trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong những ngày đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, trong công tác xây dựng, củng cố chính quyền, giữ vững an ninh, quốc phòng và thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.

Trong thời gian Đại hội, các đại biểu sôi nổi thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV; Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi). Đại hội đã bầu 10 đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII (vòng II) diễn ra từ ngày 13 đến ngày 19-6-1977, tại thị xã Buôn Ma Thuột, số lượng đại biểu được triệu tập là 252 đồng chí đại diện cho các đảng bộ trong toàn tỉnh.

Đại hội đã tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, đặc biệt là những năm sau ngày đất nước thống nhất, rút ra những kinh nghiệm quý báu cho bước đường tiếp theo, đề ra phương hướng kế hoạch 5 năm 1976-1980, nhất là 2 năm 1978-1979.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa VII gồm 39 đồng chí. Đồng chí Trần Kiên được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.