Multimedia Đọc Báo in

Những thách thức trong đấu tranh phòng chống tham nhũng

08:38, 09/02/2018

Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức, hành động và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng (TPTN) vẫn còn nhiều thách thức.

Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lê Văn Nghĩa cho biết, trong năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”. Các cấp, ngành đã ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng IOS trong quản lý hành chính, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, ngân sách quản lý tài sản công; tiếp tục thực hiện quy chế về luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động theo quy định của Trung ương, địa phương đối với 299 cán bộ, công chức, viên chức. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử đối với tội danh tham nhũng cũng đã được thực hiện nghiêm minh, phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Trong năm, cơ quan chức năng đã thụ lý 6 vụ, 5 bị can (giảm 3 vụ, 15 bị can so với năm 2016), trong đó tham ô tài sản 2 vụ, 1 bị can; nhận hối lộ 3 vụ, 2 bị can; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 1 vụ, 2 bị can.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường trao Giấy khen của Ban Nội chính Tỉnh ủy tặng  các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác Nội chính và PCTN năm 2017. Ảnh: H. Chuyên
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường trao Giấy khen của Ban Nội chính Tỉnh ủy tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác Nội chính và PCTN năm 2017. 

Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhận định: Tình hình TPTN trong năm 2017 vẫn diễn biến phức tạp, nổi lên ở một số lĩnh vực: quản lý tài chính, ngân sách; giáo dục, tư pháp; nông nghiệp, nông thôn. Phương thức thủ đoạn phạm tội chủ yếu là lợi dụng chức vụ quyền hạn, quản lý quỹ của doanh nghiệp để chiếm đoạt, tham ô tài sản; giả mạo chữ kỹ người có chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của công ty. Đối với lĩnh vực giáo dục, tư pháp, nổi lên là việc tham ô tài sản, ngân quỹ của trường học, doanh nghiệp Nhà nước, phương thức thủ đoạn chủ yếu là lập thủ tục rút tiền ngân sách từ Kho bạc Nhà nước chênh lệch cao hơn  so với số tiền thực tế thanh toán chi trả lương, phụ cấp lương hằng tháng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường để tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để chiếm đoạt tài sản. Về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc lập hồ sơ đền bù để lập hồ sơ sai quy định, đưa người thân vào nhận đền bù không đúng để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc lập hồ sơ hỗ trợ bồi thường, thiệt hại...

Đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Giấy khen của Ban Nội chính Tỉnh ủy tặng các cá nhân có thành tích xất sắc trong công tác Nội chính và PCTN năm 2017.
Đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Giấy khen của Ban Nội chính Tỉnh ủy tặng các cá nhân có thành tích xất sắc trong công tác Nội chính và PCTN năm 2017.

 

 

Trong năm 2017, cơ quan Thanh tra chỉ phát hiện 1 vụ việc tham nhũng chuyển đến cơ quan Cảnh sát điều tra. Điều đó cho thấy, vai trò của các cơ quan chức năng Thanh tra, Kiểm toán, công tác tự kiểm tra của các ban, ngành, địa phương, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa phát hiện, xử lý vi phạm, TPTN vẫn còn hạn chế”.

 

 
 Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Giám đốc Công an tỉnh

Theo Đại tá Nguyễn Thế Lực, mặc dù tình hình TPTN đã được kiềm giảm nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp. Tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, khó phát hiện. Đối tượng phạm tội có chức vụ, quyền hạn, trình độ sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực tài chính, quan hệ xã hội rộng, lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong quy trình, công tác quản lý điều hành hoạt động, quản lý tài chính, sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị để thực hiện hành vi tham nhũng, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, tại Hội nghị tổng kết công tác Nội chính và PCTN năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 mới đây, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh: Muốn công tác PCTN, lãng phí đạt hiệu quả thiết thực, trước hết phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, nhất là trong khối Nội chính về công tác PCTN và tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, phát huy vai trò phản biện xã hội giúp các cơ quan chức năng kịp thời xem xét, xử lý, phục vụ tốt công tác PCTN, phòng ngừa sai phạm.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.