Multimedia Đọc Báo in

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong lòng người dân Đắk Lắk

15:26, 29/09/2018

Từ năm 2011 đến 2016 trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Đồng chí thường xuyên tham dự các hội nghị lớn và có những buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên để lắng nghe, nắm bắt tình hình và có những chỉ đạo, định hướng kịp thời góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh - quốc phòng của khu vực.

Sức làm việc hơn người

Cũng như nhiều người dân cả nước, đồng chí Y Ly Niê Kdăm, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên bàng hoàng khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời.

Thời gian Chủ tịch nước Trần Đại Quang giữ cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên ông Y Ly đã nghỉ hưu nhưng mỗi lần vào Đắk Lắk họp, đồng chí đều mời ông và các cán bộ lão thành cách mạng đến dự.

Đồng chí Trần Đại Quang (đứng giữa) trò chuyện với các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI.
Đồng chí Trần Đại Quang (đứng giữa) trò chuyện với các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI.

Đồng chí Trần Đại Quang luôn trăn trở làm sao để vùng Tây Nguyên phát triển ổn định về các mặt, tạo đà phát triển và sớm theo kịp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Y Ly chia sẻ: “Đồng chí Trần Đại Quang rất bình dị, mộc mạc, cởi mở nhưng với công việc thì sâu sát, nắm chắc tình hình và có những chỉ đạo sát đáng đối với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng như các tỉnh Tây Nguyên”.

Theo ông Y Ly, dấu ấn đậm nét có tính chất “đòn bẩy” đối với vùng Tây Nguyên của đồng chí Trần Đại Quang là đã đề xuất Bộ Chính trị và Chính phủ cũng như Bộ Giao thông vận tải thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và Bình Phước. Nhờ có tuyến đường này mà hàng hóa được vận chuyển đi các tỉnh thuận lợi, tạo sự kết nối giữa miền xuôi và miền núi, giữa Tây Nguyên và đồng bằng, góp phần cải thiện đời sống, kinh tế vùng Tây Nguyên.

Ông Y Ly  Niê Kdăm đang đọc thông cáo đặc biệt: Chủ tịch nước  Trần Đại Quang  từ trần.
Ông Y Ly Niê Kdăm đang đọc thông cáo đặc biệt: Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Với trách nhiệm cao, đồng chí Trần Đại Quang luôn dành thời gian xuống cơ sở, thăm hỏi đồng bào, các cháu thiếu nhi, các bậc lão thành cách mạng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ đó có sự chỉ đạo rất sâu sát đối với lãnh đạo các tỉnh, địa phương. Ông Y Ly kể: “Có lần tôi được tháp tùng đồng chí Trần Đại Quang đi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên. Buổi sáng, đồng chí làm việc với Tỉnh ủy Đắk Lắk, chiều cùng ngày làm việc tại tỉnh Đắk Nông. Ngay trong tối hôm đó, đồng chí lại di chuyển sang Kon Tum để chỉ đạo phá chuyên án đạo lạ. Không chỉ đưa ra các biện pháp nghiệp vụ, đồng chí còn chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp thực hiện công tác vận động quần chúng, giải thích, tuyên truyền, kêu gọi và đối xử nhân văn với những người lầm đường lạc lối trở về. Đồng chí Trần Đại Quang là người có tinh thần trách nhiệm cao, có cái nhìn toàn diện trước mỗi việc”.

Vị lãnh đạo biết phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân

Đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhớ như in những chỉ đạo của đồng chí Trần Đại Quang về công tác ổn định an ninh trật tự tại các tỉnh Tây Nguyên.

Sau năm 2000 tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Tây Nguyên có những diễn biến phức tạp, các đối tượng thù địch đã kích động một số bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên gây rối trật tự công cộng. Mặc dù các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có những hành động quyết liệt để ngăn chặn nhưng tình hình chưa được chuyển biến nhiều.

Giai đoạn 2011 - 2016, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đồng chí Trần Đại Quang đã rất sâu sát, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các lực lượng vũ trang tập trung công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào ngay từ cơ sở và có những biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, giải quyết tình hình. Vì vậy tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên về cơ bản đã được ổn định, các vụ gây rối hầu như không còn xảy ra, đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ngày càng vững tin theo Đảng, yên tâm phát triển kinh tế, xã hội; các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể.

 Đại tá Thư bày tỏ: “Với bản thân tôi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một vị lãnh đạo rất sâu sát, gắn bó với cơ sở, biết phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân và các giai tầng xã hội nhằm tập trung xây dựng, củng cố phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, từ đó ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Qua những chỉ đạo của đồng chí về nghiệp vụ giúp chúng tôi học được nhiều kinh nghiệm. Với cán bộ, chiến sĩ công an đồng chí rất quan tâm từ việc nhỏ như: nơi ăn ở, sinh hoạt”.

Nghĩa tình với buôn làng

Những ngày này, tại gia đình anh Y Tap Êban ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) có đông đảo bà con tề tựu về kể chuyện Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Anh Y Tap là con trai của ông Y Minh M’lô, lão thành cách mạng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Năm 2015, gia đình anh vinh dự được đón đồng chí Trần Đại Quang lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công an về thăm và tặng quà. Anh Y Tap nhớ lại: “Khi đó bố tôi vui lắm! Bố thường dặn dò chúng tôi: Bố đã hứa với Bộ trưởng Bộ Công an cho dù tuổi cao, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương chiến tranh lại hành hạ nhưng sẽ sống xứng với sự hy sinh mất mát của các Anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống cho Tổ quốc, các con cũng phải sống như vậy”.

Bà con buôn Ko Tam không giấu được nỗi buồn khi kể về Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bà con buôn Ko Tam không giấu được nỗi buồn khi kể về Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Ngày đó, căn nhà của  ông Y Minh M’lô xuống cấp nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, thấy vậy đồng chí Bộ trưởng hứa sẽ giúp đỡ. Sau đó không lâu, Tiểu đoàn cảnh sát cơ động số 2, Trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Nguyên đã sửa chữa nhà cho gia đình.  “Vừa rồi xem ti vi, cả gia đình tôi đều rất bất ngờ. Mới thấy bác Chủ tịch nước còn khỏe mạnh, còn đánh trống khai trường, vậy mà… Mới ngày nào, Bộ trưởng Trần Đại Quang còn nắm chặt tay bố tôi, tặng món quà tri ân và ân cần hỏi thăm sức khỏe, thế mà giờ đây bác Trần Đại Quang đã qua đời, ai trong gia đình cũng buồn…”, anh Y Tap bùi ngùi.

Không chỉ gia đình anh Y Tap, mà nhiều người dân trong buôn Ko Tam đều  đau buồn khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Chị H’rô Ya Êban, hàng xóm của anh Y Tap nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Năm đó tôi và nhiều gia đình trong buôn được bác Trần Đại Quang dặn dò chăm lo làm kinh tế, tin theo Đảng, Nhà nước. Nghe tin bác mất ai cũng buồn, nên đến nhà anh Y Tap để kể chuyện về bác. Bà con ai cũng tự hứa sẽ cố gắng thực hiện đúng lời dặn dò của  bác Trần Đại Quang khi về thăm buôn”.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.