Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay trên quê hương 10 - 3

09:00, 09/03/2019

Phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng của quê hương 10 - 3, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Buôn Ma Thuột đã và đang tập trung khai thác hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của địa phương, phấn đấu đưa Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch, thành phố đã chủ động triển khai công tác này với kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2010 đến nay, diện tích khu vực nội thành được phủ quy hoạch phân khu đô thị là 9.322 ha, chiếm 91,82% (tăng gấp 2,74 lần so với giai đoạn trước); có 35 dự án phát triển đô thị đã được phê duyệt với tổng diện tích 523,4 ha, trong đó có 22 dự án đã và đang triển khai với tổng diện tích 379 ha. Đến nay, thành phố cơ bản hoàn thành xây dựng mới 4 khu đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

TP. Buôn Ma Thuột đang đổi thay từng ngày.  Ảnh: H. Gia
TP. Buôn Ma Thuột đang đổi thay từng ngày. Ảnh: H. Gia

Bên cạnh đó, thành phố tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng điểm vào các dự án động lực, quan trọng nhằm tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân và kết nối vùng Tây Nguyên như: Dự án đường Hồ Chí Minh, nâng cấp Quốc lộ 26, 27, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, đầu tư hệ thống thoát nước đô thị, cấp nước, điện chiếu sáng các tuyến đường đô thị…

Song song với phát triển công nghiệp, chính quyền thành phố cũng chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch cả về quy mô và chất lượng. Hoạt động của hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đã có phát triển mạnh, thị trường bán lẻ được khai thác tốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Công tác xúc tiến thương mại đầu tư, tổ chức các hội chợ, triển lãm có quy mô lớn đã hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Là một trong những xã cán đích nông thôn mới đầu tiên của TP. Buôn Ma Thuột (từ năm 2016), đến nay, Ea Tu đã thực sự “thay da đổi thịt” từ cảnh quan, môi trường đến cuộc sống của người dân. Đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Tu cho biết, hiện xã Ea Tu đã có sự đổi thay, phát triển về mọi mặt. Cuối năm 2018, tổng sản lượng lương thực đạt trên 1.175 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm, toàn xã chỉ còn 83 hộ nghèo. Các tuyến đường trục chính của thôn, buôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa trên 95%, đường ngõ xóm được bê tông hóa đạt 85%. Xã đang tập trung xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020. Nhận xét về những đổi thay trên quê hương mình, già làng Y Blóa Ađrơng, Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Ju, xã Ea Tu không giấu được niềm vui: “Già không thể hình dung được Buôn Ma Thuột có những đổi thay mạnh mẽ như vậy. Thành phố ngày càng to đẹp, khang trang. Riêng tại buôn Ju, hầu hết các tuyến đường đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa, 100% số hộ được dùng điện lưới, con em đều được đến trường, nhà nào cũng có phương tiện đi lại, nghe nhìn. Nhà cửa được xây dựng kiên cố, bà con phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước...”.

Đường vành đai (đường 30-4) được đầu tư xây dựng , đáp ứng nhu cầu kết nối, giao thương giữa TP. Buôn Ma Thuột và các tỉnh.
Đường vành đai (đường 30-4) được đầu tư xây dựng , đáp ứng nhu cầu kết nối, giao thương giữa TP. Buôn Ma Thuột và các tỉnh.

Cùng với xã Ea Tu, thời gian qua, 21 xã, phường trên địa bàn thành phố đều đã tập trung thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2018, thành phố có 8/8 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, diện mạo các vùng đô thị, nông thôn trên địa bàn ngày càng khang trang, hiện đại hơn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Buôn Ma Thuột Nay Phi La đánh giá: 44 năm sau Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10-3-1975 - 10-3-2019), đặc biệt là sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị, từ một đô thị nhỏ bé, Buôn Ma Thuột đã trở thành thành phố năng động và phát triển nhanh nhất vùng Tây Nguyên. Bên cạnh phát triển kinh tế, hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị, các lĩnh vực văn hóa - thể thao có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cải thiện rõ rệt, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đều được giữ gìn, phát huy. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Trong giai đoạn 2010-2018, tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm bình quân của TP. Buôn Ma Thuột đạt 9,38%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 11,08%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt mức tăng trưởng bình quân 16,97%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33.402 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2018 đạt 78 triệu đồng, tăng 3,17 lần so với năm 2009; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 0,86%.

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.