Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục đổi mới tư duy, tạo nguồn xung lực mới để Đắk Lắk bứt phá, phát triển *

09:01, 12/03/2019

Đến dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019 được tổ chức ngày 10-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Báo Đắk Lắk xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này:

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa các vị đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư!

Trong không khí kỷ niệm 44 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hôm nay tôi rất vui mừng và phấn khởi cùng các đồng chí và các nhà đầu tư tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019. Thay mặt Chính phủ, tôi xin thân ái gửi tới quý vị đại biểu, quý vị khách quý, các nhà đầu tư, doanh nhân, đồng chí, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

Tôi hoan nghênh và đánh giá cao Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị quan trọng và rất có ý nghĩa hôm nay với sự tham dự đông đảo của các vị đại biểu trong nước và quốc tế, đại diện cho ban, bộ, ngành, các tổ chức tài chính, các doanh nhân, nhà đầu tư. Đây là cơ hội quý giá để chúng ta cùng đánh giá thực trạng, tình hình, nhận diện cơ hội, thách thức, chia sẻ tầm nhìn về chiến lược phát triển, các cơ chế, chính sách, giải pháp cần thiết để tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn tới. Tôi cũng đánh giá cao nội dung báo cáo của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk giới thiệu, trình bày về tiềm năng, định hướng, cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào tỉnh; những tham luận rất tâm huyết của các chuyên gia trong và ngoài nước; các doanh nhân, nhà đầu tư, trong đó đã chỉ ra nhiều hướng phát triển mới trong thời gian tới và ý kiến góp ý rất nghiêm túc, rất trách nhiệm của đại diện các ban, bộ, ngành liên quan.

Thưa quý vị đại biểu!

Như chúng ta đã biết, Đắk Lắk là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là trung tâm vùng Tây Nguyên, có diện tích đứng thứ tư cả nước với hơn 370.000 ha đất đỏ bazan phì nhiêu, thích hợp cho việc trồng nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái, cây dược liệu và là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước với thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng trong và ngoài nước. Đắk Lắk có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào với khoảng 1,1 triệu lao động. Ngoài ra, Đắk Lắk còn có cộng đồng các dân tộc giàu bản sắc văn hóa với 47 dân tộc anh em cùng chung sống và là tài nguyên du lịch đa dạng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ  Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị.  Ảnh: H. Gia
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: H. Gia

Đắk Lắk được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn với nhiều địa danh như hồ Lắk, cụm thác Gia Long – Đray Sáp, cụm du lịch Buôn Đôn, thác Krông Ana... Bên cạnh đó là các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên như Chư Yang Sin, Ea Sô… Không những thế, Đắk Lắk còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh với 23 di tích lịch sử cách mạng, 2 di tích lịch sử văn hóa, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh; có 9 di tích được công nhận di tích quốc gia và 4 di tích quốc gia đặc biệt. Đặc biệt là Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - một Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và nhiều lễ hội đặc sắc khác như lễ hội đua voi, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột… Đắk Lắk có sân bay và đến nay Đắk Lắk đã hình thành được hệ thống kết nối hạ tầng giao thông khá đồng bộ, kết nối các tỉnh vùng Tây Nguyên – Duyên hải miền Trung, giúp cho việc giao thương của Đắk Lắk ngày càng thuận lợi hơn.

Trong những năm qua, Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội rất đáng biểu dương và ghi nhận. Vượt qua những khó khăn, hạn chế nội tại, từ năm 2014 đến nay Đắk Lắk đã thu hút được 294 dự án với tổng vốn đăng ký là 25 nghìn tỷ đồng. Tuy con số còn khiêm tốn nhưng rất đáng khích lệ. Và tại hội nghị hôm nay, các nhà đầu tư đã đăng ký sẽ đầu tư hơn 71 nghìn tỷ đồng với 13 dự án và 19 biên bản ghi nhớ. Đáng chú ý là những dự án đầu tư tập trung đúng định hướng về phát triển lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, hạ tầng đô thị và phát triển các cơ sở giáo dục, y tế…

Sự thành công trong thu hút đầu tư góp phần vào tăng trưởng bình quân các năm gần đây của Đắk Lắk đạt khoảng 8,5 đến 9%. Và trong thời gian tới, tôi hy vọng rằng con số cao hơn nữa, sẽ đạt đến mức trên 10%. Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,82%; tổng sản phẩm trên địa bàn ước thực hiện trên 51 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 44,1 triệu đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, tăng 21,73% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 600 triệu USD, tăng 4,35% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Có 950 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới, tăng 3,37% so với cùng kỳ. Đến cuối năm 2018 đã có 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, mức giảm hộ nghèo ước giảm 2,51% so với năm 2017; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 42,5% kế hoạch, tăng 3,5% so với năm 2017. Duy trì tỷ lệ 100% thôn, buôn  có trường hoặc lớp mẫu giáo; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống còn 19,6%; số giường bệnh trên 1 vạn dân ước đạt 25 giường. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 84,5%.

Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,  Quyết định chủ trương đầu tư tại Hội  nghị.  Ảnh: H. Gia
Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị. Ảnh: H. Gia

Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Tôi cũng hoan nghênh và cảm ơn sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến đầu tư, hợp tác và thể hiện sự quan tâm đối với Đắk Lắk. Tôi tin tưởng rằng quyết  tâm đầu tư của các doanh nghiệp và sự hợp tác của tỉnh chính là chìa khóa để Đắk Lắk vươn lên đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội thời gian tới.

Thưa quý vị đại biểu!

Để trả lời câu hỏi Đắk Lắk cần phải làm gì để thu hút đầu tư, hướng tới trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu Tây Nguyên, chúng ta cần phải đào sâu suy nghĩ, tìm tòi để tìm ra những giải pháp hữu hiệu, hấp dẫn để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho Đắk Lắk.

Mọi quý vị đều biết Đắk Lắk là thủ phủ của cà phê vùng Tây Nguyên, là trọng điểm cho phát triển cây công nghiệp. Ngoài ra tỉnh còn rất nhiều tiềm năng cho phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, dịch vụ, trồng cây ăn trái, rau củ quả… Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế hiện Đắk Lắk vẫn là tỉnh khó khăn nhất là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, kết nối hạ tầng, nguồn nhân lực. Đặc biệt Đắk Lắk cũng đang đứng trước thách thức lớn về biến đổi khí hậu trong khi nguồn lực cho phát triển lại rất hạn chế. Tôi mong muốn rằng tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục đổi mới tư duy, cùng với một tầm nhìn mới, trên hết là khát vọng, nhiệt huyết vươn lên phải được lan tỏa trong toàn thể cán bộ, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, tạo nguồn sinh khí mới, bứt phá, đổi mới, sáng tạo, tạo nguồn xung lực mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dứt khoát không để tụt hậu so với cả nước.

Song song với việc khai thác phát huy hiệu quả những tiềm năng to lớn về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử và con người, vấn đề lớn đặt ra ta cần phải làm gì, cần phải đổi mới như thế nào? Đắk Lắk phải khẳng định lại mình với tâm thế là một tỉnh lớn, thủ phủ của cây cà phê không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà trên thế giới. Tỉnh Đắk Lắk phải nỗ lực vươn lên với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước với mức thu nhập bình quân đầu người ngang bằng cả nước nhưng phải đảm bảo bền vững, không thể quên vấn đề quan trọng đó là an sinh xã hội. Để đạt được mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh  Đắk Lắk cần phải luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, tìm ra cách làm mới, quyết liệt, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ hơn. Nhân đây tôi xin gợi ý một số định hướng đối với tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới:

Một là, chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, tỉnh Đắk Lắk cần có một quy hoạch tổng thể, có tầm nhìn xa về kinh tế - xã hội, không gian phát triển hợp lý trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, đất đai gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm quốc gia, sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới như thế nào, mục tiêu xuất khẩu nông sản ra sao, làm sao để du lịch thời gian tới thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển công nghiệp ở mức độ nào, ngành nào, sản phẩm nào là mũi nhọn. Chúng ta phải vừa đầu tư vào công nghiệp có giá trị gia tăng cao nhưng cũng phải lưu ý đến phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong tỉnh. Chú ý phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhất là nghề dệt thổ cẩm. Tăng cường thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp nông thôn, đồng thời cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ. Phát triển rừng và chế biến gỗ rừng trồng, gỗ cao su sau chu kỳ lấy mủ. Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào các hình thức sản xuất, chế biến gắn với tổ chức sản xuất, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp tăng bình quân trên 5%/năm. Tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm quan trọng của tỉnh. Phát triển sản xuất kinh doanh cà phê – một báu vật thiên nhiên dành cho Đắk Lắk theo chuỗi giá trị để Cà phê Buôn Ma Thuột trở thành ngành hàng có giá trị gia tăng cao, một sản phẩm có sức mạnh ngang tầm thế giới, thực sự là điểm đến của cà phê thế giới, là tinh hoa cà phê thế giới đầy màu sắc và hương vị. Chúng ta chú ý giá cả thị trường cao su, cà phê rất biến động, lúc tăng cao, lúc tụt giá. Như vậy đòi hỏi chúng ta phải đầu tư công nghệ cao để tạo ra chuỗi giá trị, để chế biến sâu. Xuất thô là của quá khứ, chúng ta hướng đến tương lai sản phẩm có giá trị cao. Gỗ rừng trồng, gỗ cao su phải được chế biến để xuất khẩu để tạo ra giá trị gia tăng. Đắk Lắk là thủ phủ của cà phê, chúng ta phải hướng đến xây dựng thương hiệu quốc gia, sản phẩm đa dạng, phong phú đầy hương vị, tạo ra giá trị gia tăng cao. Đây là yêu cầu đòi hỏi cho giai đoạn mới, phát triển mới, tạo được sự bứt phá mạnh mẽ. Tập trung khai thác các nguồn tài nguyên, đối với Tây Nguyên là vùng đất đầy nắng đầy gió, trước đây ta xem đó là khó khăn  nhưng ngày nay với quan điểm mới chúng ta phải biến khó khăn thành thuận lợi, biến nắng biến gió thành năng lượng tái tạo. Đắk Lắk phải có những cánh đồng điện gió, cánh đồng điện mặt trời, chúng ta cần quy hoạch hợp lý khoa học để phát triển ngành năng lượng tái tạo; tận dụng đất đai, hạ tầng của những vùng năng lượng này để phát triển du lịch, trồng rau củ quả, cây ngắn ngày, trồng dược liệu dưới những cánh đồng điện gió. Đây là hướng đi mới rất đúng đắn của tỉnh. Đồng thời kiên quyết không phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo trên đất rừng, không phá rừng, tận dụng những vùng đất cằn cỗi nhưng hết sức hiệu quả cho phát triển năng lượng điện, năng lượng gió. Kêu gọi các dự án đầu tư, phục vụ phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của con người và mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ với 47 dân tộc anh em. Cần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong đó phát triển du lịch với nhiều loại hình như du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử, lễ hội, du lịch mạo hiểm. Phát triển hạ tầng du lịch với phát triển du lịch với kết cấu hạ tầng khác của tỉnh, liên kết chuỗi giá trị với các tỉnh Tây Nguyên – Duyên hải miền Trung và các nước bạn Lào, Campuchia. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng khách du lịch trên 15%/năm, doanh thu du lịch trên 10%/năm, quy mô phòng sau năm 2020 đạt trên 5.000 phòng. Với quỹ đất còn lớn chúng ta cần xây dựng thêm nhiều khách sạn, khu resort 4 sao, 5 sao phù hợp với tốc độ tăng trưởng của du lịch trên địa bàn cũng như của cả nước.

Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Cần phải đẩy mạnh để tiết giảm các chi phí, thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, cũng như giữ chân các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào tỉnh. Khuyến khích đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, phát huy tính năng động sáng tạo của người đứng đầu và các cơ quan chức năng để giúp doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng thủ tục giấy tờ đầu tư vào Đắk Lắk. Thường xuyên đối thoại, kịp thời giải quyết những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, chống tiêu cực, nhũng nhiễu. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đặc biệt quan tâm đến quy hoạch, đất đai, tài nguyên môi trường. Kiểm soát chặt chẽ khai thác chế biến kinh doanh khoáng sản, nhất là tài nguyên rừng; phải thực hiện yêu cầu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian văn hóa, hệ sinh thái và thực hiện yêu cầu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển xanh không gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh phòng chống khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép.

Ba là, bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng để mọi người dân đều được hưởng thành quả, được đón nhận cơ hội và không còn ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên sẽ chịu thách thức lớn về biến đổi khí hậu, do đó ngay từ bây giờ chúng ta phải biết chắt chiu, tiết kiệm tài nguyên nước. Đất đai có thể sử dụng lâu dài, không sử dụng đất đai hoang phí, sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên nước. Phải biết tính toán căn cơ và bước đi thích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu, cần có những giải pháp nâng cao mực nước ngầm, tăng nguồn nước tái tạo, trồng rừng, tái tạo rừng, quy hoạch hồ chứa và trạm bơm hợp lý. Có giải pháp công nghệ cao tiết kiệm sử dụng nước, tái tạo nước sạch.

Năm là, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội để phục vụ công cuộc phát triển đất nước, làm yên lòng các nhà đầu tư. Phòng chống hiệu quả các loại tội phạm nhất là tội phạm buôn bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hàng kém chất lượng; giữ vững tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với nước bạn Campuchia.

Tôi xin nhấn mạnh lại, không có một kế hoạch chiến lược nào thành công nếu thiếu đi khát vọng và nỗ lực hành động của các nhà lãnh đạo các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư; sự đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực của người dân. Chính vì vậy, Đắk Lắk cần rà soát lại định hướng, tầm nhìn cũng như những chỉ đạo công việc cụ thể, chính sách và các hành động phát triển đồng bộ, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ, hiệu quả, phấn đấu để Đắk Lắk trở thành một tỉnh phát triển mới.

 

Thưa quý vị đại biểu!

Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung tuy có nhiều lợi thế song đến nay vẫn còn là địa bàn khó khăn, nhiều lĩnh vực vẫn còn ở mức tiềm năng chứ chưa hiện thực hóa trở thành động lực phát triển. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện thể chế pháp luật, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; đặc biệt là bảo vệ quyền tài sản của công dân; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đà tăng trưởng kinh tế, giữ môi trường hòa bình hữu nghị với mọi quốc gia trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ toàn vẹn của đất nước để mọi người yên tâm làm ăn đầu tư. Chính phủ sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, có những cơ chế chính sách phù hợp đặc thù để vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng phát huy tối đa các nguồn lực. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời tôi cũng đề nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước tích cực tìm hiểu các tiềm năng, lợi thế, các cơ hội đầu tư tại vùng đất này, kết hợp với kinh nghiệm và nguồn lực của mình để có chiến lược đầu tư bài bản và có hiệu quả, khơi dậy sức mạnh và tiềm năng rất lớn của vùng đất này; đồng thời tạo thêm giá trị, mang lại lợi nhuận chính đáng cho doanh nghiệp của mình.

Trên cơ sở những nội dung thể hiện tại hội nghị lần này cùng với sự chung tay kề vai sát cánh của Chính phủ, các bộ ngành địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, doanh nhân nhưng trước hết với khát vọng vươn lên và quyết tâm bứt phá của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trong tương lai không xa Đắk Lắk sẽ phát triển và trở thành một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực năng lượng điện mặt trời, phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp xanh, công nghệ cao và là điểm đến du lịch hấp dẫn, lý tưởng. Phấn đấu đến năm 2021, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ là một thành phố hiện đại, văn minh, một thành phố thông minh, trung tâm của vùng Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Lắk sẽ là một tỉnh phát triển top đầu của miền Trung và Tây Nguyên. Tôi cũng yêu cầu các bộ, ngành phải quyết liệt, ủng hộ, tạo ra các cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư đầu tư vào Đắk Lắk, cải cách thể chế cho thật tốt; không để phát sinh các chi phí ngoài luồng gây cản trở nhà đầu tư; phải quyết liệt phân cấp cho các địa phương, giúp cho tỉnh Đắk Lắk vươn lên bứt phá.

Cuối cùng tôi xin chúc mừng những thành tựu của Đắk Lắk. Chúc cho Đắk Lắk ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư để triển khai thành công các dự án, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Đắk Lắk để không chỉ là điểm đến của cà phê thế giới mà còn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Một lần nữa chúc quý vị đại biểu, quý vị khách quý tham dự Hội nghị sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

 

(*) Tiêu đề do Báo Đắk Lắk đặt.

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.