Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới tư duy trong thực hành tiết kiệm

07:51, 02/09/2019

Hôm nay ngày 1-9, Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11-7-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, chính thức có hiệu lực.

Việc luật hóa nội dung này tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau Chỉ thị số 21-CT/TW năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến văn bản pháp lý cao nhất là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (năm 2013), Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2544/QĐ-TTg, ngày 30-12-2016 về ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 và nhiều văn bản pháp quy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Việc “nhốt căn bệnh lãng phí” vào “lồng chế tài” quan trọng đến mức như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng khẳng định “cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”, bởi vì: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”, “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”.

Cán bộ, viên chức xã Cư Suê (huyện Cư Mgar) đập heo đất tiết kiệm trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Băng Châu
Cán bộ, viên chức xã Cư Suê (huyện Cư M'gar) đập heo đất tiết kiệm trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Băng Châu

Người còn chỉ rõ nguồn gốc của lãng phí là do quan liêu: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”.

Dưới một góc nhìn khác, ngoài bệnh quan liêu, sự trùng lắp và chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức cũng gây ra những lãng phí không hề nhỏ, đặc biệt là sự lãng phí về thời gian, nhân lực, nhân tài và cơ hội. Từ thực tế có thể nhận thấy lãng phí còn xuất phát từ chính lối sống, thói quen, tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, “mất bò mới lo làm chuồng”, “con gà tức nhau tiếng gáy”, đã thết đãi là phải thật hoành tráng và cả căn bệnh làm hình thức, tổ chức hình thức, nghiệm thu hình thức…. Tổn thất, lãng phí, tốn kém không cần thiết cũng từ đó mà ra.

Hệ thống khung khổ pháp lý cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã khá đầy đủ, đồng bộ, vấn đề là cách thức, tinh thần và thái độ thực thi. Từ trước đến nay chúng ta thường hiểu tiết kiệm là cắt giảm chi phí, cũng có nghĩa là cắt giảm tiêu dùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với hạn chế kích cầu, hệ lụy là làm ảnh hưởng đến hoạt động của bên "cung". Tốc độ, chất lượng phát triển có thể sẽ bị kéo giảm nếu sự cắt giảm ấy bị hiểu rồi thực thi một cách cứng nhắc. Và vô hình trung đã gây ra một sự lãng phí rất lớn. Vậy nên có chuyên gia đề nghị tư duy về thực hành tiết kiệm cần có sự đổi mới.

Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí nghĩa là kiên quyết chi cho những cái đáng chi và không chi cho những cái không đáng chi; kiên quyết chi cho ở mức đáng chi và không chi ở mức không đáng chi. Thêm nữa cần có sự thay đổi nếp nghĩ, thói quen, lối sống; kiểm tra, xác lập, giám sát trong thực hiện đúng thứ tự ưu tiên để đầu tư hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.