Multimedia Đọc Báo in

Tính thời sự trong tác phẩm "Dân vận"

11:06, 29/10/2019

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, bởi “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”. Tuy nhiên, muốn nhân dân giác ngộ, tự nguyện làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình, thì Đảng phải tiến hành công tác tuyên truyền, vận động, phải làm tốt công tác dân vận.

70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Dân vận”. Bài báo chưa đầy 1.000 từ, nhưng bao hàm đầy đủ cả về nội dung, phương pháp công tác dân vận của Đảng. Cho đến nay, tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, nóng hổi tính thực tiễn.

Mở đầu bài viết, Bác Hồ khẳng định:

«Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân».

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Ðảng ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác vận động quần chúng, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, mà xuyên suốt là đường lối chiến lược về đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần đó được thể chế hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước để trở thành hiện thực trong cuộc sống. Công tác dân vận một lần nữa được nhấn mạnh là phải hướng về cơ sở và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, công tác đó đặt ra một cách cụ thể hơn đối với các cơ quan công quyền - nơi trực tiếp giải quyết công việc của dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (năm 1956). Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (năm 1956). Ảnh tư liệu

Toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước ta đều xuất phát từ quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cội nguồn sức mạnh của Đảng, Nhà nước ta là sự gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tinh thần ấy đã xuyên suốt chiều dài cuộc chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi vẻ vang. Khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, tổng kết từ thực tiễn, với sự đóng góp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, Ðảng ta đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước. Ðường lối đổi mới đã thể hiện rõ “ý Ðảng” hợp với “lòng dân”, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và sáng tạo thực hiện trong cuộc sống.

Công tác dân vận quan trọng là vậy. Tuy nhiên, những điều mà Bác Hồ đã cảnh báo từ 70 năm trước, nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Ðó là bệnh quan liêu, phô trương hình thức, xa dân, “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” hoặc “chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu”. Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được thực hiện tốt tại nhiều xã, phường; không ít nơi cấp ủy chưa coi trọng công tác dân vận, phó mặc cho cán bộ chuyên trách. Công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng thực tế công tác vận động nhân dân của chính quyền ở nơi này, nơi khác còn hạn chế, khuyết điểm. Thậm chí còn xảy ra tình trạng hách dịch, sách nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của dân.

Ban Chỉ huy Quân sự và cán bộ Hội LHPN huyện Cư M’gar thăm hỏi đời sống người dân buôn Pốk B,  thị trấn Ea Pốk.  Ảnh: N. Xuân
Ban Chỉ huy Quân sự và cán bộ Hội LHPN huyện Cư M’gar thăm hỏi đời sống người dân buôn Pốk B, thị trấn Ea Pốk. Ảnh: N. Xuân

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận tốt là phải tạo ra được phong trào hành động đồng tâm, đồng lực, đồng chí, đồng tài nơi quần chúng, tạo thành một làn sóng đoàn kết sôi nổi, rộng khắp, làm sao góp thành “lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”, từ đó “lấy công tác dân vận và chăm lo lợi ích của quần chúng làm nội dung chủ yếu trong các hoạt động của mình”.

Bác Hồ đặt câu hỏi: Dân vận là gì? Và Người giải thích: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”. Đây là thể hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Tinh thần đại đoàn kết phải được quán triệt sâu sắc trong công tác dân vận bằng việc đa dạng các hình thức tập hợp nhân dân, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (năm 1956). Ảnh tư liệu
Bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

89 năm qua, công tác dân vận của Ðảng đã đạt được những thành quả to lớn, giúp Ðảng ta tập hợp được sức mạnh của nhân dân, tăng cường đoàn kết toàn dân để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, giữ vững độc lập dân tộc. Các văn kiện của Đảng đã khẳng định: “… toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng nêu rõ: “… nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống”.

Do vậy, để làm tốt công tác dân vận, trước hết, nhận thức về công tác này phải được quán triệt sâu sắc trong các cấp ủy đảng, từ đó quan tâm lãnh đạo công tác dân vận trong cả hệ thống chính trị. Quan hệ mật thiết với công tác này là việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; mỗi đảng viên là một tấm gương sáng có sức lan tỏa trong quần chúng thì công tác dân vận mới thật sự có ý nghĩa sâu sắc. Công tác dân vận phải hướng về cơ sở và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, gắn liền với cải cách hành chính một cách tích cực; quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của dân ngay từ cơ sở; có cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền, hiến kế xây dựng quê hương nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần vào công tác xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Thanh Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.