Multimedia Đọc Báo in

Cải cách hành chính năm 2020: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả

11:34, 19/02/2020

Năm 2020, UBND tỉnh thống nhất chọn chủ đề cải cách hành chính là “Năm hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm đang được chính quyền các cấp nỗ lực thực hiện nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu quả.

Những tín hiệu tích cực

Theo kết quả công bố sau điều tra, khảo sát của Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của các địa phương trên địa bàn Đắk Lắk năm 2019 là 81,06%, tăng 2,56% so với năm 2018; và cao hơn mục tiêu chung 80% của Chính phủ. Chỉ số “không hài lòng” là 4,99%, giảm 1,31% so với năm 2018. Hơn một nửa số địa phương có chỉ số hài lòng vượt mức 80%; một số khác xấp xỉ mức chỉ số hài lòng chung của toàn tỉnh. Số lần đi lại để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) công của người dân trung bình là 1,26 lần. Hiện tượng sách nhiễu, gây phiền hà và gợi ý thu thêm các khoản lệ phí ngoài quy định giảm so với năm trước. Điều này cho thấy chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan đã có nhiều chuyển biến, tạo tiền đề cho tỉnh cải thiện chỉ số này trong các năm tiếp theo.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm mô hình khởi nghiệp ở huyện Cư M’gar.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm mô hình khởi nghiệp ở huyện Cư M’gar.

Với phương châm lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo công tác cải cách hành chính (CCHC), thời gian qua UBND huyện Krông Năng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, xây dựng nền hành chính phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Cùng với đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, UBND huyện Krông Năng đã mạnh dạn tiên phong triển khai hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với việc giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa cấp huyện.

Kể từ ngày 1-1-2020, tổ chức, cá nhân sau khi được hướng dẫn TTHC có thể đánh giá trực tiếp qua thiết bị đánh giá (máy tính bảng được lắp tại từng vị trí thực hiện tiếp nhận hồ sơ) đối với từng công chức phụ trách giải quyết TTHC với 4 mức độ đánh giá “Tốt”, “Khá”, “Trung bình” và “Kém”. Qua đây nhằm đánh giá khách quan, chính xác, phản ánh đúng tình trạng giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước, của các công chức tại bộ phận một cửa. Từ đó phát hiện những hạn chế trong quy trình giải quyết, thái độ ứng xử của từng công chức để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, sau gần một tháng đi vào hoạt động, Trung tâm thực hiện tiếp nhận 4.741 thủ tục hành chính và trả kết quả giải quyết đối với 2.095 hồ sơ thuộc các lĩnh vực của các sở, ngành. Đến nay, nhiều ý kiến phản hồi của tổ chức, công dân đánh giá cao về tính hiệu quả, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân không phải đi lại nhiều nơi.

Tăng nguồn lực đầu tư và cơ chế giám sát

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, để chủ đề CCHC năm 2020 triển khai hiệu quả và tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, các cấp ủy cần lồng ghép tuyên truyền và ban hành chương trình hành động quyết liệt đưa vào nhiệm vụ ưu tiên trong nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua đó, mỗi địa phương tự lựa chọn xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phương pháp đánh giá thiết thực, lấy người dân là chủ thể cùng tham gia nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số CCHC tại cơ sở.

Người dân làm chứng minh nhân dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Người dân làm chứng minh nhân dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Để tăng thêm nguồn lực triển khai đánh giá sự hài lòng, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Phạm Ngọc Nghị ban hành văn bản yêu cầu một số nhiệm vụ chủ yếu CCHC năm 2020 gồm: Tăng kinh phí để điều tra xã hội học về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực; tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, sáp nhập cấp xã. Điều tra xã hội học xác định chỉ số CCHC để công bố CCHC trong quý I năm 2020. Tham mưu sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 18-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước và kết hợp Hội thảo chuyên đề CCHC. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Đề án nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như yêu cầu CCHC giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn 2020 - 2025. Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nhân rộng mô hình bộ phận một cửa tập trung cấp huyện; lắp đặt ghi âm tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ.

Phấn đấu đến năm 2025, Đắk Lắk nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu về chỉ số CCHC

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đầu Xuân Canh Tý, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đã đề nghị các sở, ngành phải thực hiện đúng phương châm là chính quyền phục vụ và kiến tạo, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, sự quan tâm hợp tác của nhà đầu tư là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh CCHC mà trọng tâm là cải cách TTHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các TTHC, nhất là về thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, cấp phép, thuế, xuất khẩu, nhập khẩu, giải quyết tranh chấp, tố tụng, xét xử, thi hành án, phá sản… Phấn đấu đến năm 2025, Đắk Lắk nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu về chỉ số CCHC.

Kim Bảo


Ý kiến bạn đọc