Multimedia Đọc Báo in

Nhất thể hóa các chức danh: Hiệu quả từ những mô hình ở huyện Krông Pắc

09:18, 20/02/2020

Là một trong những địa phương tiên phong trong thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã, qua 5 năm thực hiện, những mô hình triển khai trên địa bàn huyện Krông Pắc đã phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Hướng dẫn số 25 – HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và Kế hoạch số 63 – KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2014 Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc đã thống nhất chọn 3 đảng bộ xã gồm: Hòa Đông, Krông Búk và Tân Tiến thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã.

Qua 5 năm thực hiện thí điểm mô hình, đảng bộ, chính quyền 3 xã đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Hầu hết các nhiệm vụ chính trị được triển khai đồng bộ, gọn nhẹ và linh hoạt hơn trước. Với sự thống nhất cao giữa việc ra nghị quyết của cấp ủy và tổ chức thực hiện nghị quyết của chính quyền nên nghị quyết của Đảng, kế hoạch triển khai của UBND luôn đồng bộ, bám sát thực tiễn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông Nguyễn Đình Vượng (bìa phải) kiểm tra phong trào xây dựng  các tuyến đường trồng hoa trên địa bàn.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông Nguyễn Đình Vượng (bìa phải) kiểm tra phong trào xây dựng các tuyến đường trồng hoa trên địa bàn.
 
“Mô hình này đã góp phần nâng cao trình độ công tác Đảng, quản lý nhà nước và rèn luyện bản lĩnh cán bộ, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gần dân hơn, nắm rõ hơn dư luận, tâm tư, nguyện vọng của dân; khắc phục tình trạng cấp ủy ra nghị quyết, chính quyền thực hiện không triệt để…”.
 
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông Nguyễn Đình Vượng cho biết, việc nhất thể hóa các chức danh được xã thực hiện nghiêm túc và thận trọng, bám sát sự chỉ đạo của cấp trên với quan điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phản biện, lấy ý kiến nhân dân, đảng viên, tham vấn các cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ, từ đó có những bước đi phù hợp.

Mô hình này có ưu điểm là phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, có sự ràng buộc yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất. Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương đã được triển khai đồng bộ, linh hoạt, dân chủ hơn. Từ đó đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trong nhiệm kỳ đều đạt trên 10%. Chính vì vậy, từ một xã khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự, xã Hòa Đông đã trở thành một trong những xã đầu tiên về đích nông thôn mới của tỉnh và hiện là xã điểm về xây dựng nông thôn kiểu mẫu trong giai đoạn mới.

Đường nông thôn mới ở xã Hòa Đông.
Đường nông thôn mới ở xã Hòa Đông.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến khẳng định: Mô hình này đã góp phần quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, từ đó tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - trật tự trên địa bàn 3 xã được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, nội bộ đoàn kết, vai trò cá nhân của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã được phát huy.

Từ những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác nhân sự, bảo đảm cán bộ được lựa chọn phải đủ tiêu chuẩn, có sức khỏe, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, uy tín và kinh qua cương vị lãnh đạo một trong hai chức vụ ít nhất ½ đến 1 nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đang xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tiếp tục duy trì mô hình này đối với đảng bộ 3 xã: Hòa Đông, Tân Tiến, Krông Búk và triển khai nhân rộng thêm mô hình ở xã Ea Kuăng.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.