Multimedia Đọc Báo in

Những chặng đường vẻ vang của ngành Tuyên giáo (Bài 2)

06:05, 28/07/2020
[links(left)]
Bài 2. Công tác Tuyên giáo trong kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - 1975)
 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7-1954) và Nghị quyết Bộ Chính trị về khôi phục kinh tế, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ và tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, công tác tuyên huấn đã giúp cấp ủy tổ chức lực lượng tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Chính phủ đối với vùng mới giải phóng; vạch trần luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của địch, vận động đồng bào tham gia đấu tranh thực hiện tốt công tác tiếp quản.

Biểu dương các phong trào “Nhường cơm sẻ áo”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”… tác động tích cực đến quần chúng. Tập trung quán triệt và giúp cấp ủy đảng triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường tổ chức học tập lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên; giáo dục giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho đảng viên; về hợp tác hóa nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội…

Học sinh trường cấp III Yên Hòa, Hà Nội đăng ký phong trào
Học sinh trường cấp III Yên Hòa, Hà Nội đăng ký phong trào "Ba đảm nhiệm”, sau này là phong trào phụ nữ "Ba đảm đang”. Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN

Giai đoạn này, công tác Tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu trong việc khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua như Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Tiếng trống Bắc Lý, Cờ Ba nhất… Đây cũng là giai đoạn công tác Tuyên giáo đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên lĩnh vực khoa giáo, như: giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Cùng với thực hiện nhiệm vụ củng cố miền Bắc, công tác Tuyên giáo đã động viên phong trào quần chúng ủng hộ, cổ vũ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, phản đối Mỹ - Diệm vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp khủng bố đồng bào miền Nam, phá hoại hiệp thương, tổng tuyển cử, động viên phong trào đấu tranh chính trị, tiến tới Đồng khởi ở miền Nam.

Trong những năm 1960 - 1964, nhân dân miền Nam đã đồng khởi nổi dậy và đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, công tác tư tưởng đã luôn chú trọng tới việc quán triệt phương hướng, nhiệm vụ, phương châm đấu tranh trong tình hình mới; coi trọng việc phổ biến những kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời tích cực tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước phát động phong trào thi đua “Dũng sĩ diệt Mỹ”, nâng cao quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Thanh niên Thủ đô Hà Nội vui mừng khi nhận được giấy trúng tuyển quân sự (Hà Nội, tháng 7-1971).  								                Ảnh tư liệu
Thanh niên Thủ đô Hà Nội vui mừng khi nhận được giấy trúng tuyển quân sự (Hà Nội, tháng 7-1971). Ảnh tư liệu

Giai đoạn 1965 – 1975, với mục tiêu đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, công tác Tuyên giáo đã góp phần quan trọng trong việc động viên quân dân miền Bắc chuyển hướng xây dựng kinh tế sang thời chiến, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ và tích cực chi viện cho miền Nam.

Các phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển mạnh; công tác xây dựng Đảng về tư tưởng kịp thời chuyển hướng để bảo đảm yêu cầu lãnh đạo quân dân ta thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp bách của miền Bắc: tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đảng viên, học tập kết hợp chặt chẽ với phê bình và tự phê bình, phát huy tính tiền phong, gương mẫu; công tác tuyên truyền đối ngoại được tăng cường, tích cực tranh thủ các diễn đàn quốc tế, thông qua các hoạt động ngoại giao, nêu cao tính chính nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Thành công của công tác Tuyên giáo giai đoạn này là tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng hái lao động, sản xuất, chiến đấu. Ở miền Bắc, công tác Tuyên giáo tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, như “Vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, chi viện đắc lực sức ng­ười, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, động viên lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường đánh giặc với tinh thần “Xẻ dọc Tr­ường Sơn đi cứu n­ước”. Với miền Trung, tập trung tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước và truyền thống cách mạng.

Ở miền Nam, công tác Tuyên giáo đã cổ vũ quần chúng đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang ở khắp mọi nơi, trên cả ba vùng: vùng núi, đồng bằng và đô thị; khơi dậy lòng căm thù giặc, bồi dưỡng lòng yêu nư­ớc, tinh thần dũng cảm, không quản ngại hy sinh, tạo nên nhiều phong trào thi đua giết giặc, lập công: “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Xuống đường đòi tự do, dân chủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”… Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đã được chuyển hóa bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

(Còn nữa)

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.