Multimedia Đọc Báo in

"Dân vận khéo" trong vùng dân tộc thiểu số

16:52, 26/09/2020

Huyện Ea Kar có 144.750 người với 28 dân tộc cùng sinh sống tại 238 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 31,1% dân số.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Kar đã tăng cường lãnh đạo, quán triệt thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc, các cấp, ngành tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS”. Việc thực hiện Chỉ thị 49 được gắn với kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện chính sách dân tộc.

Cán bộ Mặt trận huyện, thị trấn Ea Kar và người có uy tín buôn Ea Kdruôl (thị trấn Ea Kar) tìm hiểu đời sống người dân trong buôn.
Cán bộ Mặt trận huyện, thị trấn Ea Kar và người có uy tín buôn Ea Kdruôl (thị trấn Ea Kar) tìm hiểu đời sống người dân trong buôn.

Xã Cư Huê có 18 thôn, buôn, trong đó có 7 buôn đồng bào DTTS. Để nắm bắt kịp thời tình hình đời sống, những vấn đề phát sinh tại các buôn, bên cạnh tổ chức phát động quần chúng, xã đã chỉ đạo thành lập các tổ dân vận, phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, phát huy lợi thế về văn hóa độc đáo, tập tục và lối sống phong phú của đồng bào dân tộc sinh sống nơi đây, xã Cư Huê đã tập trung khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao đời sống người dân. Theo đó, xã đã phối hợp tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đầu tư điểm du lịch nhà dài, vận động người dân không bán chiêng, ché, sưu tầm những đồ vật trong lao động sản xuất để trưng bày tại nhà dài của các buôn, thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M’Oa...

Ông Y Bluê Niê, người có uy tín trong đồng bào DTTS buôn M’Hăng (xã Cư Huê) cho biết: Nhờ chủ trương phát triển du lịch cộng đồng ở các buôn đồng bào DTTS mà bà con đã quan tâm hơn đến công tác bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, tổ chức Lễ cúng bến nước, giữ gìn nhà dài truyền thống... Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tranh thủ được tiếng nói của mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành Cư Huê trong công tác tuyên truyền, vận động bà con không tham gia mua bán hàng đa cấp, không vay tiền lãi suất cao của "tín dụng đen". Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự của 7 buôn trên địa bàn xã luôn giữ vững ổn định.

Thôn 5 là thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng II Ea Păl với trên 40% số hộ là người đồng bào DTTS phía Bắc. Trước đây, mỗi khi trong thôn có người qua đời, gia đình đó phải mời thầy về làm lễ cúng ba ngày, ba đêm; con cháu, thông gia mua vàng mã, làm cỗ viếng; phục vụ cả thôn ăn uống... Và lễ cưới cũng mời rất đông khách, ăn uống kéo dài, cả nhà trai và nhà gái đều thách cưới... Bà Trương Thị Tình, Trưởng thôn, người có uy tín thôn 5 cho hay: Đây là phong tục không tốt, ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ dân nên chi bộ, ban tự quản, ban công tác Mặt trận thôn đã tổ chức họp dân bàn bạc, thống nhất đưa ra nghị quyết xây dựng hương ước, quy ước về quy định trong việc cưới, việc tang. Sau khi được vận động, tuyên truyền, các hộ trong thôn đã ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M'Oa (xã Cư Huê) góp phần giữ gìn, phát huy nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê.
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M'Oa (xã Cư Huê) góp phần giữ gìn, phát huy nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê.

Một nét nổi bật trong công tác “Dân vận khéo” vùng đồng bào DTTS của huyện Ea Kar chính là việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS. Từ năm 2014 đến nay, Chương trình 135 đã xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 67 công trình với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng; Chương trình 132 đã cấp đất sản xuất cho 448 hộ DTTS; cấp 1.981 bồn nước theo Quyết định số 755; đào tạo nghề cho 989 thanh niên, nông dân DTTS theo Quyết định số 1956; hỗ trợ làm nhà cho 339 hộ DTTS theo Quyết định số 33; hỗ trợ cứu đói cho 17.292 hộ đồng bào DTTS...

Đồng chí Y Nhuân Byă, Bí thư Huyện ủy Ea Kar đánh giá: Việc triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách dân tộc đã có tác động lớn đến tư tưởng, nhận thức, tạo sự tin tưởng, gắn bó giữa đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.