Multimedia Đọc Báo in

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025: Sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm trong thảo luận

21:17, 14/10/2020
Chiều 14-10, tiếp tục chương trình Đại hội, các đại biểu tiến hành phiên thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
 
Đại hội đã chia làm 6 Trung tâm thảo luận. Hầu hết các ý kiến tham luận đều thống nhất cao với báo cáo chính trị và các văn kiện trình tại Đại hội, đồng thời bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng với những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. 
 
Với tinh thần sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm và xây dựng, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến phân tích sâu sắc, có tính thuyết phục khi tham gia vào các vấn đề cụ thể trong dự thảo các văn kiện. Trong đó, một số vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm, thảo luận như: Hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, do vậy thời gian tới cần thực hiện phân loại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp theo hướng chuyên sâu sản xuất theo từng lĩnh vực để thuận lợi trong quản lý, xử lý môi trường, tạo nguồn nguyên liệu và thu hút đầu tư. Công tác quy hoạch của tỉnh cần có quy hoạch vùng, vịnh, điều này giúp cho quy hoạch các ngành, lĩnh vực của tỉnh phù hợp hơn.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Hoàng Gia
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Hoàng Gia
 
Nhiều ý kiến cũng tập trung bàn thảo về những chiến lược trong phát triển nền nông nghiệp. Bởi đây là đặc thù và cũng là tiềm năng của Đắk Lắk. Đại biểu Vũ Văn Hưng, Quyền Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột nêu ý kiến: “Để khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành nông nghiệp hiện nay, Nghị quyết của Đại hội cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc thù, nâng cao giá trị cũng như năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại có hiệu lực. Các tỉnh như Sơn La, Gia Lai, với việc sớm xây dựng thương hiệu cho nông sản nên sản phẩm nông sản của họ có nhiều thuận lợi trong việc gia nhập thị trường khi các hiệp định thương mại hiệu lực, trong khi đó ở Đắk Lắk đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn”. Để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, các đại biểu cũng cho rằng cần chú trọng đến việc quy hoạch vùng chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp dựa trên những loại cây trồng chiếm ưu thế đê thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến. 
 
Liên quan đến vấn đề đầu ra cho nông sản, Bí thư Huyện ủy Cư M’gar Nguyễn Đình Viên cho rằng, sản xuất nông nghiệp hiện nay rất khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được. Vấn đề đặt ra cho tỉnh là cần định hướng cho người dân là trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp và phải gắn với thị trường tiêu thụ; cần tập trung nghiên cứu thị trường để định hướng, dự báo tình hình cho người dân. Bên cạnh đó, một vấn đề người dân rất quan tâm hiện nay đó là giá cả nông sản lên xuống bấp bênh, có tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Do vậy thời gian tới tỉnh cần có thêm các cơ chế, chính sách thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để góp phần ổn định đầu ra, có nơi bao tiêu nông sản để người dân yên tâm sản xuất…
 
Quang cảnh phiên làm việc tại Trung tâm thảo luận số 6. Ảnh: Hồng Thúy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê  trình bày ý kiến tại Trung tâm thảo luận số 6. Ảnh: Hồng Thúy
 
Thảo luận về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê cho rằng: “Hiện nay so với bình quân chung của cả nước, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh chưa đạt do Đắk Lắk có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, đời sống còn nhiều khó khăn, nguồn lực của tỉnh cũng còn hạn chế. Cho nên lâu nay chúng ta mới chỉ tập trung nơi nào có thể đi trước để phấn đấu đạt một số chỉ tiêu và cách làm như thế là mới chỉ giúp cho giải pháp trước mắt; còn về lâu dài và theo quan điểm xây dựng nông thôn mới là tất cả người dân đều được hưởng lợi từ chương trình này. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ mới cần phải tính toán lại nguồn lực, ngoài việc chúng ta thực hiện theo yêu cầu của Trung ương về mặt tiến độ, thì chúng ta phải đi vào thực chất hơn, quan tâm hơn đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt là các huyện nghèo theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy…”.
 
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, Đắk Lắk có tiềm năng lớn về du lịch, song, ngành này vẫn phát triển chậm, chưa phong phú, đa dạng về sản phẩm, chưa kết nối được du lịch giữa các vùng, lượng du khách hằng năm đến không nhiều… Nguyên nhân chủ yếu là chưa thu hút được các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư để đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Do vậy đề nghị bổ sung vào văn kiện Đại hội về các giải pháp mạnh đối với du lịch để phát huy thế mạnh của tỉnh; trong đó, tập trung phát triển du lịch lấy TP. Buôn Ma Thuột làm trung tâm, từ đây kết nối với các điểm du lịch vệ tinh ở các huyện khác.
 
Đại biểu tham gia góp ý vào các văn kiện tại Trung tâm thảo luận số 3. Ảnh: Lan Anh
Đại biểu tham gia góp ý vào các văn kiện tại Trung tâm thảo luận số 3. Ảnh: Lan Anh
 
Là thành phố trực thuộc tỉnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, để Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên như Kết luận 67, các đại biểu cho rằng, tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong phân cấp, phân quyền cho thành phố, nhất là trong vấn đề thu hút đầu tư, điều tiết nguồn thu, đầu tư , tạo thuận lợi cho thành phố chủ động cân đối đầu tư công. Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường khẳng định: “Bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền thành phố cần học tập nghiên cứu một số mô hình của TP. Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ để xây dựng xây dựng cơ chế, chính sách đăc thù phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ gắn với điều kiện thực tế của TP. Buôn Ma Thuột”.
 
Tham gia thảo luận, các đại biểu cũng đã đề xuất, kiến nghị và đưa ra những giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian tới. Theo đó, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mà để thực hiện điều này cần triển khai thực hiện những chiến lược lâu dài, liên kết với các trường, trung tâm trong và ngoài nước để đào tạo cán bộ; quan tâm đến việc đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho các xã biên giới; xúc tiến mở cửa khẩu Đắk Nuê để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quốc phòng, giao thương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
 
* Ngày mai (15-10), Đại hội tiếp tục báo cáo tham luận, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng và tiến hành bế mạc.
 
Nhóm PV thực hiện

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.