Multimedia Đọc Báo in

Chủ tịch Hồ Chí Minh vận động nhân dân đi bầu cử

07:27, 04/01/2021

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6-1-1946 là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ ở nước ta, mở ra thời kỳ phát triển mới về thể chế chính trị ở Việt Nam. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, trong đó nhấn mạnh phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Theo đó, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chính phủ lâm thời đã chuẩn bị kỹ lưỡng và ban hành các Sắc lệnh về mở cuộc Tổng tuyển cử và thể lệ Tổng tuyển cử trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn.

Các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do các Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.

Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tin tức của cuộc Tổng tuyển cử được đăng tải kịp thời trên báo chí làm tăng thêm không khí chính trị sôi động của cả nước. Báo Cứu quốc số 130, ra ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Ý nghĩa của Tổng tuyển cử”, trong đó có đoạn: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết…”. Báo Cứu quốc số 134, ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”. Tuy ngắn gọn nhưng “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” đã khẳng định được bầu cử là để thực thi chế độ dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; là chính thể cộng hòa dân chủ, một Nhà nước dân chủ thì tất cả mọi người dân đều có quyền ứng cử và tham gia bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam mới.

Ngày 5-1-1946, trong buổi lễ ra mắt các ứng cử viên tại Việt Nam học xá, Bác nói: “Từ xưa đến nay, toàn dân chưa bao giờ tuyển cử, vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình… Ta đã phải hy sinh nhiều mới có quyền cầm cái lá phiếu ngày nay đó... Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuật... mới đòi được cái quyền bầu cử ngày nay”. Cho nên, “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.

Ngày 5-1-1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I.  Ảnh tư liệu
Ngày 5-1-1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu

Sáng ngày 6-1-1946, Báo Cứu quốc ra số đặc biệt với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta hãy nghỉ việc, để đến trước thùng phiếu… chúng ta hãy tỉnh táo để kiểm điểm công tác của ủy ban khu mình, đấy là một cách bảo vệ quyền hạn của mình. Đến khi đóng hoặc mở thùng phiếu, chúng ta hãy đòi cho được sự phân minh. Ngay cả ở lần viết hộ, chúng ta cũng nên có mặt để xem xét. Có quyền mà không tìm cách dùng quyền cho sáng suốt, ấy là tự mình hủy quyền của mình. Hỡi các bạn cử tri, ta chớ quên điều ấy”.

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Tổng tuyển cử thì bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là ứng cử viên đồng thời cũng là cử tri đi bầu cử. Ngày 6-1-1946, cùng với hơn 90% cử tri đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại thùng phiếu số 10, phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ), Hà Nội. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu với 98,4% số phiếu.

Có thể khẳng định, sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ và toàn dân, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong diễn văn khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cuộc quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam ta. Nó là một kết quả của cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, mà cuộc tổng tuyển cử lại là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Cẩm Trang

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.