Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng phát triển cây ca cao

09:51, 24/11/2013

Thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng cây ca cao không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Dak Lak, hiệu quả kinh tế kém… khiến không ít người trồng ca cao lo lắng. Tuy nhiên trên thực tế tại địa bàn tỉnh đã và đang có rất nhiều hộ nông dân trồng ca cao đem lại hiệu quả cao.

Vườn ca cao của gia đình bà Hoàng Thị Thu Hiền luôn trĩu quả.
Vườn ca cao của gia đình bà Hoàng Thị Thu Hiền luôn trĩu quả.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền (thôn Tân Hưng, xã Ea Knêch, huyện Krông Pak) – là một trong những hộ nông dân trồng ca cao từ nhiều năm nay khẳng định: Hiệu quả kinh tế của bất kỳ cây trồng nào cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó kỹ thuật chăm sóc của người trồng rất quan trọng. Nếu người trồng ca cao tuân thủ theo quy trình sản xuất thì hiệu quả kinh tế do cây trồng này mang lại không thua kém các loại cây trồng khác, kể cả cây cà phê. Gia đình bà Hiền có 0,7 ha ca cao (tương đương 700 cây) trồng từ năm 2005 và bắt đầu cho thu hoạch vào năm 2008. Đặc biệt, ba năm trở lại đây sản lượng luôn ổn định ở mức 1,4 - 1,6 tấn hạt khô đã lên men/năm. Với giá bán hiện nay là 50.000 đồng/kg, tổng thu nhập thu từ vườn ca cao cũng lên đến 80 triệu đồng, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí chừng 20 triệu đồng thì cũng còn lãi 60 triệu đồng. Bà Hiền cho biết: Do cây ca cao cho thu hoạch gần như quanh năm nên người trồng không phải lo lắng chuyện thuê mướn nhân công lao động. Việc bón phân, tưới nước, bấm tỉa cành, phun thuốc… cũng ít hơn so với nhiều loại cây trồng khác nên một lao động siêng năng có thể chăm sóc được từ 1 – 1,5 ha mà không cần thuê mướn thêm lao động. Chính điều này đã góp phần làm giảm đáng kể chi phí đầu tư, qua đó mang lại lợi nhuận cho người trồng cao hơn. Trường hợp hộ ông Trịnh Văn Ý (thôn Tân Đông, xã Ea Kênh, huyện Krông Pak), có 0,5 ha cà phê và 0,5 ha ca cao đã bước vào giai đoạn kinh doanh từ nhiều năm nay nhưng chưa năm nào lợi nhuận từ vườn cà phê “thắng” vườn ca cao! Chẳng hạn năm 2013 này, 0,5 ha cà phê chỉ cho tổng sản lượng khoảng 1,4 tấn nhân. Với giá bán 30.000 đồng/kg hiện nay thì tổng thu nhập chỉ trên, dưới 42 triệu đồng. Trong khi đó, 0,5 ha ca cao (do ông trồng thưa hơn quy định nên chỉ có 400 cây) cho thu hoạch 0,9 tấn hạt khô, tính ra thu nhập cũng lên đến 45 triệu đồng. Tổng thu nhập giữa 0,5 ha cà phê và 0,5 ha ca cao gần ngang bằng nhau, nhưng vườn ca cao mang lại cho gia đình ông lợi nhuận nhiều hơn do chi phí đầu tư cho cây ca cao chỉ bằng 2/3 chi phí đầu tư cho cây cà phê. Đánh giá về hiệu quả của cây ca cao, tại một hội nghị bàn về thúc đẩy sự phát triển ngành ca cao Việt Nam vừa được Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán Bỉ tổ chức hồi đầu tháng 11-2013 tại TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu đã nhấn mạnh: thời gian qua, ở Tây Nguyên đã có một số diện tích ca cao trồng thay thế cà phê già cỗi cho năng suất rất cao. Điều này cho thấy có thể xem xét chuyển một phần diện tích cà phê già cỗi sang trồng ca cao để đạt được hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, thời gian qua cũng có một số hộ chặt bỏ cây ca cao, nhưng chỉ xảy ra ở trường hợp nhỏ lẻ, chủ yếu rơi vào các hộ trồng ca cao theo phong trào. Nguyên do là trước đây, ở một số huyện trong tỉnh có triển khai các dự án trồng ca cao, theo đó người trồng được phát miễn phí cây giống nên một số ít nông dân cứ đăng ký tham gia, nhận cây giống về trồng theo kiểu “được chăng hay chớ”. Do không được chăm sóc chu đáo nên cây phát triển kém, năng suất thấp, khiến những hộ này phải phá bỏ để trồng loại cây khác. Nhiều nhà khoa học và nông dân có kinh nghiệm trồng cây ca cao cho rằng tiềm năng phát triển cây ca cao của tỉnh Dak Lak là rất lớn do khí hậu và thổ nhưỡng đều phù hợp với cây ca cao. Ca cao là cây trồng ưa bóng, nhu cầu nước tưới ít hơn cây cà phê nên có thể trồng xen trong vườn cây ăn quả, điều hoặc cà phê kém hiệu quả… để tận dụng các loại cây này làm cây che bóng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Do đây là cây trồng tương đối mới mẻ nên vấn đề quan trọng là tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người nông dân. Lâu nay, nhiều người cứ nói quá lên rằng ca cao là “cây của người nghèo”, “cây rừng”… nên rất dễ trồng, khiến không ít nông dân cứ nghĩ trồng ca cao đơn giản hơn các loại cây trồng khác. Trong thực tế, cây ca cao kén người trồng bởi kỹ thuật chăm sóc và sự quan tâm ngay từ đầu cũng như trong suốt quá trình sản xuất. Ông Nguyễn Bá Dũng - chuyên viên kỹ thuật Công ty TNHH Cargill Việt Nam - một người đã có nhiều năm sát cánh với người trồng ca cao khuyến cáo: Cây ca cao là cây dễ tính nhưng không phải quá dễ trồng nếu không nắm bắt kỹ thuật, đặc biệt là cần có cây che bóng, chắn gió trong thời gian mới trồng. Cây ca cao không kén đất, có thể trồng trên rất nhiều loại đất khác nhau, trong đó trồng trên những diện tích cà phê già cỗi là thích hợp nhất. Khi trồng ca cao, vấn đề quan trọng hàng đầu mà nông dân cần lưu ý, tuân thủ nghiêm ngặt là chọn giống bảo đảm chất lượng; chú trọng đầu tư thâm canh và áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, như: tỉa cành tạo hình thông thoáng, thu dọn trái thối thường xuyên, bón phân cân đối…

Theo Đề án phát triển cây ca cao tỉnh Dak Lak, đến năm 2015 toàn tỉnh có 6.000ha ca cao, trong đó có 2.000ha cho thu hoạch, năng suất (hạt khô đã qua lên men) bình quân 1,6 tấn/ha. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới có 2.500ha, trong đó diện tích cho sản phẩm chỉ trên dưới 1.000ha với năng suất bình quân 1,4 – 1,5 tấn/ha. Riêng các vườn ca cao được trồng trên đất chuyển đổi từ vườn cà phê già cỗi thì năng suất cao hơn, trung bình khoảng 2,2 tấn/ha, trong đó một số diện tích đạt trên 3 tấn/ha.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.