Multimedia Đọc Báo in

Cho vay theo Quyết định 29: Giải ngân thấp, vì sao?

09:12, 13/12/2016

Nhằm giúp đỡ những người thuộc nhóm đối tượng yếu thế hòa nhập xã hội, ổn định cuộc sống, ngày 26-4-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với những đối tượng trên (Quyết định 29). Tuy nhiên, sau gần hai năm thực hiện, kết quả giải ngân theo Quyết định này trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp.

Chương trình tín dụng đầy tính nhân văn

Theo quy định, đối tượng vay vốn theo Quyết định 29 là cá nhân, hộ gia đình có thành viên là người nhiễm HIV/AIDS; người sau cai nghiện ma túy; người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; người bán dâm hoàn lương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh tặng quà cho thanh niên hoàn lương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh tặng quà cho thanh niên hoàn lương.

Là một trong 15 tỉnh, thành phố trên cả nước được thực hiện cho vay thí điểm theo Quyết định 29, Đắk Lắk được phân bổ 4,6 tỷ đồng. Số tiền trên được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) triển khai cho vay đến hết năm 2016. Mức cho vay tối đa 20 triệu đồng/cá nhân và 30 triệu đồng/hộ, người vay không phải thế chấp tài sản nhưng phải là thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, buôn, tổ dân phố do các tổ chức chính trị - xã hội cho vay ủy thác thành lập. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng, lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo (hiện nay 0,55%/tháng). Người vay phải sử dụng vốn vay vào các mục đích như mua sắm vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, phương tiện phục vụ kinh doanh, buôn bán, đầu tư làm các nghề thủ công trong hộ gia đình... Để được vay vốn, người vay phải có một số điều kiện về hồ sơ, thủ tục theo quy định, có phương án sản xuất, kinh doanh và có khả năng trả nợ theo cam kết.

 

Vừa qua, NHCSXH đã quyết định phê duyệt danh sách 13 thanh niên hoàn lương được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Có thể khẳng định, để có được danh sách này là nhờ sự quyết tâm của Tỉnh Đoàn khi đứng ra bảo lãnh cho những thanh niên hoàn lương.

 

 
 
Ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Kế hoạch NHCSXH

 

Đây là một chương trình tín dụng đầy tính nhân văn, bởi những đối tượng trên được xếp vào nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần hỗ trợ giúp đỡ, nhiều người còn mang trong mình bệnh tật, sức khỏe yếu. Do vậy nếu được hỗ trợ, vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, họ sẽ đỡ mặc cảm, dễ dàng hơn để hòa nhập. Ngược lại, nếu không được hỗ trợ để có công ăn việc làm ổn định, họ không những không có chi phí để nâng cao sức khỏe, ổn định cuộc sống, mà còn dễ dẫn đến tái phạm, tái nghiện.

Khó giải ngân

Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Kế hoạch NHCSXH Nguyễn Văn Huệ cho biết, mặc dù vốn vay luôn sẵn sàng, thủ tục không quá phức tạp, nhưng từ khi triển khai đến nay, toàn tỉnh mới chỉ giải ngân được 180 triệu đồng và mới chỉ có 4 địa phương cho vay được là các huyện Krông Búk, Ea Súp, Ea H’leo (mỗi huyện giải ngân được 30 triệu đồng), huyện M’Đrắk (giải ngân được 90 triệu đồng).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chính là những người trong các nhóm đối tượng trên không biết, không muốn hoặc không tiếp cận được nguồn vốn này. Khi được hỏi về nguyện vọng vay vốn theo Quyết định 29, anh N.V.C, một người cai nghiện hoàn lương tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, đây là lần đầu tiên anh được nghe đến chương trình tín dụng này.

Vốn vay theo Quyết định 29 giúp  thanh niên hoàn lương khởi nghiệp.
Vốn vay theo Quyết định 29 giúp thanh niên hoàn lương khởi nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Huệ, bên cạnh công tác tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn như trường hợp trên là một ví dụ, thì “cái vướng” thường gặp nhất hiện nay là quy định hộ gia đình đã vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH rồi, thì đối tượng hoàn lương đang sinh sống trong hộ gia đình đó không được vay vốn theo Quyết định 29. Hơn nữa, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, buôn, tổ dân phố hoặc các tổ chức chính trị - xã hội cho vay ủy thác cũng chưa thật sự mạnh dạn cho vay do những quan ngại việc thu hồi vốn. Do vậy, để những đối tượng trên tiếp cận được vốn vay, trong thời gian tới cần tích cực thực hiện công tác tuyên truyền để cả đối tượng thụ hưởng cũng như các cấp hội, đoàn thể biết và mạnh dạn thực hiện Quyết định này. 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.