Multimedia Đọc Báo in

Thêm nguồn lực xây dựng buôn làng

17:10, 30/01/2017

Tuy chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhưng thực tế cho thấy, xuất khẩu lao động đã trở thành “kênh” giải quyết việc làm hiệu quả. Lượng kiều hối được gửi về đã làm thay đổi cuộc sống của người dân ở nhiều làng quê, góp thêm nguồn lực xây dựng buôn làng đẹp giàu….

Thêm cơ hội “đổi đời”

Vừa cào đống cà phê trong sân ra phơi, chị Phan Thị Dung ở thôn 1B (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) hồ hởi: “Cũng nhờ có tiền của con đi xuất khẩu lao động gửi về, gia đình có vốn đầu tư chăm sóc 2 ha cà phê, điều và mua thêm được 2 ha rẫy trồng cà phê xen tiêu. Năm nay ước tính trừ chi phí cũng thu lãi 400 triệu đồng”. 

Trò chuyện trong căn nhà xây khang trang, chị Dung kể, học hết cấp II, em Nguyễn Trọng Lý ở nhà phụ bố mẹ làm rẫy. Sau 7 năm, kinh tế gia đình cũng không khá hơn trước vì lợi nhuận thu được chỉ vừa đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Thấy trong xã có một số người đi xuất khẩu lao động, Lý đã đến hỏi thăm và lên tận Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tìm hiểu thông tin chương trình. Chăm chỉ học tập cộng với quyết tâm cao mặc cho sự can ngăn của gia đình, Lý đã thi đỗ, hoàn thiện hồ sơ và bắt đầu xuất cảnh sang Hàn Quốc từ tháng 5-2014. 

Chị Phan Thị Dung đầu tư phát triển sản xuất từ nguồn kiều hối của con gửi về
Chị Phan Thị Dung đầu tư phát triển sản xuất từ nguồn kiều hối của con gửi về.

Chỉ sau một năm, từ tiền em gửi về, gia đình đã trả hết số nợ 100 triệu đồng vay ký quỹ xuất cảnh và mua thêm rẫy, sắm sửa phương tiện sinh hoạt, sản xuất, xây dựng công trình phụ. Đến tháng 3-2019 khi hết hạn hợp đồng lao động, gia đình sẽ tích lũy được cho Lý một số vốn để khởi nghiệp kinh doanh. Cũng theo chị Dung, cuộc sống của nhiều gia đình trong thôn đã ổn định và khá dần lên nhờ có con đi xuất khẩu lao động ở thị trường Hàn Quốc như gia đình các ông Lưu Văn Hòa, Phan Văn Bình, Hoàng Đức Thao, Phan Văn Quang…

Thấy nhiều người trong thôn từng đi xuất khẩu lao động khi trở về có một số vốn phát triển kinh tế, anh Phạm Tự Do ở thôn 1C (xã Cư Êwi, Cư Kuin) không chọn con đường xin việc theo ngành Trung cấp Dược đã học mà quyết định thử sức mình. Sau khi hoàn thành chương trình học tiếng Hàn Quốc ở TP. Hồ Chí Minh, anh Do về liên hệ với Sở LĐTBXH để được hướng dẫn làm thủ tục và đến tháng 4-2014 đã đi làm việc ở nước ngoài. 

Theo anh Do, lúc mới sang nước bạn cũng bỡ ngỡ do khác biệt về khí hậu, ẩm thực, bất đồng ngôn ngữ, nhưng sau khi đã thích nghi được thì thấy môi trường làm việc ở Hàn Quốc rất tốt, chế độ phúc lợi xã hội đảm bảo, công ty rất quan tâm đến người lao động, lo chỗ ăn ở chu đáo. Mỗi tháng trừ chi phí đóng bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân anh cũng gửi về nhà được hơn 30 triệu đồng. Từ số tiền Do gửi về, gia đình đã mua được 2 ha rẫy, cải tạo 6 sào cà phê già cỗi trước kia để trồng tiêu, sửa lại nhà và trả nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện tại, em trai của Do là Phạm Minh Đức cũng đã thi đỗ khóa học tiếng Hàn Quốc và đang được Sở LĐTBXH hướng dẫn làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. 

Gia đình chị H’Rin H’mok là hộ khó khăn của buôn Knia 2 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn). Sau khi học xong lớp 12, được một công ty về trường tư vấn xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản, con trai chị Y Phin H’mok đã bàn bạc ý định này với bố mẹ. Nghe con nói cần phải có khoảng 170 triệu đồng để học tiếng, học định hướng, làm thủ tục, ký quỹ mới được xuất cảnh, chị H’Rin lo lắm. Thêm vào đó, người thân gia đình ai cũng gàn, sợ bị lừa “tiền mất tật mang”, càng nghèo khổ hơn nên chị cũng do dự. 

Thấy con quyết tâm cao và đã hoàn thành các vòng sơ tuyển, gia đình đã đánh liều vay ngân hàng số tiền trên để cho Y Phin xuất cảnh vào đầu năm 2016. “Lúc Y Phin mới đi, tôi lo đến mất ăn mất ngủ, không biết cháu có thích nghi được môi trường mới, công việc mới không, điều kiện ăn, ở thế nào. Vậy mà, chỉ sau 6 tháng, nó gửi về nhà 246 triệu đồng, tôi đã trả xong tiền vay ngân hàng, còn lại cũng đang tích lũy để làm thủ tục cho anh trai nó tiếp tục đi lao động ở Nhật Bản”, chị H’Rin chia vui.

Đồng hành cùng người lao động

Không chỉ ở xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin), Ea Bar (huyện Buôn Đôn) mà tại nhiều địa phương trong tỉnh như xã Ea Toh, Dliê Ya, Ea Tam (huyện Krông Năng), Ea Kmút, Ea Ô, Cư Ni (huyện Ea Kar), Đắk Nuê (huyện Lắk), Ea Tu, Hòa Thắng, Ea Kao, Cư Êbur, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột)… nhiều gia đình có thêm cơ hội “đổi đời” nhờ có người đi xuất khẩu lao động. 

Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch HĐND xã Cư Êwi cho biết, Cư Êwi là xã đặc biệt khó khăn, người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, nguồn lao động trên địa bàn khá dồi dào nhưng địa phương không có công ty, xí nghiệp nên tỷ lệ thất nghiệp cao. Mấy năm trở lạiđây, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư cho con đi xuất khẩu lao động. Và thực tế cho thấy, đây vừa là “kênh” giải quyết việc làm hiệu quả, vừa giúp người dân có thêm nguồn lực phát triển kinh tế gia đình, giảm bớt gánh nặng cho địa phương. Nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu và đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã.

Tư vấn cơ hội việc làm và xuất khẩu lao động tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ 12 - 2016
Tư vấn cơ hội việc làm và xuất khẩu lao động tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ 12 - 2016.

Để đồng hành, hỗ trợ người lao động, tỉnh đã triển khai Dự án “Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Theo đó, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát thông tin, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động; lựa chọn, giới thiệu những công ty, doanh nghiệp có uy tín để ký hợp đồng đặt hàng đào tạo và tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức hội thảo, hội nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu lao động, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động với những người đã đi xuất khẩu lao động trở về; thường xuyên tiến hành các cuộc khảo sát, kiểm tra, giám sát tình hình tư vấn, tuyển lao động của các doanh nghiệp, tránh tình trạng lừa đảo trong hoạt động này.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2012-2015, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đắk Lắk đã giải ngân hơn 3,4 tỷ đồng cho 136 hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động. Từ nguồn kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng được Trung ương bố trí, tỉnh đã đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho 374 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách và hỗ trợ trực tiếp cho 377 người đi làm việc ở nước ngoài. 

Nhờ vậy, từ năm 2011 đến tháng 10-2016, toàn tỉnh đã có 3.750 người đi xuất khẩu lao động ở các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Trung Đông… trong đó một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cho mức thu nhập khá cao. Đây là nguồn vốn đáng kể giúp gia đình họ có thêm điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.