Multimedia Đọc Báo in

Bước chuyển của tín dụng chính sách tại Tây Nguyên

08:34, 21/03/2017

Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên diễn ra cũng là thời điểm ghi nhận gần 4 năm nỗ lực thực hiện Bản ghi nhớ ngày 12-4-2013 về việc phối hợp chỉ đạo, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH). Sau 4 năm nhìn lại, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên đã có những bước chuyển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Vào cuối năm 2011, khi chưa có sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và NHCSXH, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở khu vực này là 11.394 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 11% dư nợ của toàn quốc), trong khi đó nợ quá hạn gần 175 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 1,54%, cao hơn bình quân chung toàn quốc. Mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nơi còn yếu kém, hoạt động không hiệu quả, nợ quá hạn cao, lãi tồn đọng lớn. Trước thực tế đó, NHCSXH đã xây dựng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên với hành động cụ thể là sự phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Từ cái “bắt tay” này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có sự vào cuộc đầy quyết tâm, cùng NHCSXH thường xuyên theo dõi, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và tình hình thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá, phối hợp với NHCSXH giải quyết khó khăn, vướng mắc; đồng thời, tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cho người nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên như: chính sách cho vay người lao động của huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo... và tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Đoàn công tác HĐND tỉnh thăm một gia đình thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách xã hội tại huyện Cư M’gar.
Đoàn công tác HĐND tỉnh thăm một gia đình thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách xã hội tại huyện Cư M’gar.

Những bước chuyển trong tín dụng Tây Nguyên có thêm lực đẩy mới từ việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, các tỉnh trong khu vực đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện xuyên suốt tới cấp cơ sở, tạo được sự đồng thuận, quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đã nâng cao trách nhiệm trong việc thực thi, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí nguồn ngân sách để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bảo đảm sự ổn định cho hoạt động tại các điểm giao dịch xã... Với những nỗ lực đó, chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên đã có những thay đổi căn bản. Tính đến cuối năm 2016, nợ xấu đã giảm đi một nửa chỉ còn 75 tỷ đồng, chiếm 0,39% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 44,6 tỷ đồng (chiếm 0,23% tổng dư nợ), nợ khoanh 30,5 tỷ đồng (chiếm 0,16% tổng dư nợ), thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc. Điều quan trọng hơn, những chuyển biến trong chất lượng tín dụng chính sách đã gắn liền với việc góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Theo số liệu của NHCSXH, tổng doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên đến hết năm 2016 là 42.353 tỷ đồng, với 2.891.297 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2016 đạt 18.769 tỷ đồng (tăng 6.375 tỷ đồng so với năm 2011), chiếm 11,92% tổng dư nợ trong toàn hệ thống, với 926.618 khách hàng còn dư nợ. Là 1 trong 3 khu vực NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng hằng năm tại khu vực Tây Nguyên là 12,7% (so với tăng trưởng dư nợ bình quân chung toàn quốc là 10,4%).

Trong giai đoạn tới Tây Nguyên vẫn được xác định là 1 trong 3 khu vực trọng điểm cần phải tập trung vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách với mục tiêu dự kiến tăng trưởng dư nợ hằng năm khoảng 10% - 12%, 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do NHCSXH cung cấp.      

Vốn tín dụng chính sách tại Tây Nguyên trong thời gian qua đã góp phần giúp 407.157 hộ thoát nghèo; tạo điều kiện cho hơn 276.509 học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn đến trường; tạo việc làm cho 189.976 lao động; xây dựng, cải tạo 66.704 nhà ở cho hộ nghèo… Những kết quả này góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo của khu vực theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 8,5%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 18%.

 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.