Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức tiềm năng Tây Nguyên

08:20, 10/03/2017

Gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Tây Nguyên là một trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước với nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, năng lượng tái tạo...

Tăng trưởng xanh từ nông nghiệp

Nông, lâm nghiệp vừa là tiềm năng, vừa là thế mạnh trong phát triển kinh tế tại Tây Nguyên. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011-2015 của khu vực nông – lâm – thuỷ sản tăng 5,6%. Giá trị sản xuất bình quân tăng 6,37%/năm. Với việc các tỉnh đã chủ động, linh hoạt vận động bà con chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả, khó tiêu thụ sang các loại cây trồng có thị trường; ứng dụng công nghệ vào sản xuất... đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Giá trị trên 1 ha đất trồng trọt đã tăng từ 73,1 triệu đồng/ha (năm 2011) lên 97,5 triệu đồng/ha năm 2015, tăng 33,51% (bình quân tăng 7,5%/năm). Trong đó, cao nhất là tỉnh Lâm Đồng từ 117,4 triệu đồng/ha (năm 2011) tăng lên 146,4 triệu đồng/ha (năm 2015), gấp 1,5 lần so với bình quân toàn vùng. Hiện Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với trên 40 nghìn ha, chiếm 15% diện tích đất nông nghiệp nên năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích rất cao và có khả năng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk)  cho năng suất, chất lượng cao.
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) cho năng suất, chất lượng cao.

Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu và kinh nghiệm sản xuất, Tây Nguyên đã phát triển mạnh một số cây trồng, trở thành vùng sản xuất hàng hóa chủ yếu của Việt Nam như: cà phê (sản lượng 1,3 triệu tấn, chiếm 94% sản lượng của cả nước), hồ tiêu (83 ngàn tấn, chiếm 56% sản lượng của cả nước), hạt điều (65 ngàn tấn, chiếm 22% sản lượng của cả nước), cao su (chiếm 27% diện tích và 18% sản lượng của cả nước)...

Trong chiến lược phát triển của ngành Nông nghiệp, các tỉnh Tây Nguyên cũng đang tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm sản chủ lực của vùng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển ngành hàng theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với quản trị hiện đại, hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm có thương hiệu, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, lấy khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên kết DN và hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị và phát triển bền vững, phấn đấu trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu của cả nước.

Triển vọng từ ngành công nghiệp không khói

Theo báo cáo phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, giai đoạn 2011-2015 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn đầu tư vào Tây Nguyên, với tổng vốn đầu tư đạt 265,7 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010. Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn đạt 11,33%/năm. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần cơ bản, các địa phương đã đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông lâm sản, du lịch dịch vụ, năng lượng sạch...

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên theo Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, cần thiết có một chiến lược chung toàn vùng trên cơ sở xây dựng mô hình tăng trưởng mới, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chung của toàn vùng. Trong đó, liên kết phát triển vùng trở thành nhu cầu cấp thiết nhằm tạo ra một không gian thống nhất để thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh theo địa bàn và chuỗi giá trị sản phẩm; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội... 

Ngoài việc duy trì tăng trưởng xanh của ngành Nông nghiệp, du lịch được xem là thế mạnh và tiềm năng lớn của khu vực Tây Nguyên. Được thiên nhiên ưu đãi, Tây Nguyên có nhiều danh lam thắng cảnh với hệ động thực vật hết sức phong phú ở 13 khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia cùng hệ thống sông suối có nhiều thác nước hùng vĩ. Bên cạnh đó, là vùng đa sắc tộc, Tây Nguyên cũng là nơi có nhiều lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc...  Chính vì vậy, đẩy mạnh phát triển du lịch đang được các địa phương đặc biệt quan tâm, tích cực tìm giải pháp để thu hút đầu tư. Để đánh thức tiềm năng, thúc đẩy phát triển ngành “công nghiệp không khói” của khu vực này, trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tây Nguyên được xác định là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Nỗ lực của các địa phương hiện nay là tạo mối liên kết để khai thác và phát triển du lịch vùng, trong đó các tỉnh thống nhất lấy các khu, điểm du lịch quốc gia là trọng điểm ưu tiên phát triển để tạo lan tỏa trong toàn khu vực và được ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư. Đồng thời, thúc đẩy liên kết hạ tầng và không gian kinh tế - xã hội theo hướng hình thành các trục hành lang phát triển, kết nối các cực tăng trưởng và khu vực động lực phát triển của vùng gắn với liên kết ngoại vùng.

Ngọc Khuê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.