Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ tài sản trí tuệ: Cần nâng cao nhận thức cho chủ sở hữu (Kỳ 2)

09:02, 30/05/2017

Kỳ 2: Cấp thiết việc bảo hộ tài sản trí tuệ

Trước thực trạng sản phẩm của không ít các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh bị làm giả, nhái ngày càng xuất hiện nhiều và tinh vi hơn thì việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là điều cấp thiết; trong đó, doanh nghiệp và người dân đóng vai trò chủ đạo.

Muôn kiểu xâm phạm quyền SHTT

Trong những năm qua, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm về quyền SHTT được dư luận xã hội quan tâm. Còn nhớ, năm 2005, nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng bạ dưới hình thức tên gọi xuất xứ hàng hóa, nay là chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT trong nước, chưa đăng ký ở nước ngoài. Do đó, năm 2010 một doanh nghiệp Trung Quốc đã được cơ quan SHTT của nước này cấp bảo hộ độc quyền đối với 2 nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. Trong hành trình đi đòi lại thương hiệu bị đánh cắp, địa phương không chỉ hao tổn về công sức, tiền bạc mà còn phải mất rất nhiều thời gian. Đó cũng chính là bài học đắt giá không chỉ cho các địa phương mà kể các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước về việc bảo vệ và phát triển thương hiệu, sản phẩm của mình.

Sản phẩm nhang, trầm  của hộ anh Lê Trường Sinh (phường Ea Tam,  TP. Buôn Ma Thuột)  đã được cấp  Giấy chứng nhận  bảo hộ nhãn hiệu.
Sản phẩm nhang, trầm của hộ anh Lê Trường Sinh (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.

Một kiểu xâm phạm quyền SHTT khá phổ biến hiện này là việc làm nhái, làm giả hàng hóa. Đơn cử như sản phẩm mũ bảo hiểm làm nhái  thương hiệu Nón Sơn được bày bán công khai. Riêng ở tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt hành chính nhiều cơ sở, cá nhân kinh doanh hàng nhái. Đặc biệt, có đơn vị, cá nhân đã bị xử phạt với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng như trường hợp gần đây nhất là của một hộ kinh doanh ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) bị UBND tỉnh xử phạt 139 triệu đồng về hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh; buôn bán, tàng trữ mũ bảo hiểm Nón Sơn giả, xâm phạm quyền kiểu dáng công nghiệp của Công ty TNHH thời trang Nón Sơn…

Có thể nói, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khiến người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện thật - giả. Các hành vi vi phạm diễn ra ở hầu hết các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tập trung dưới dạng sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng, mang các chỉ dẫn giả mạo không những trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Thúc đẩy bảo hộ tài sản trí tuệ

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trên thị trường hiện nay, số lượng hàng hóa bị làm giả, làm nhái ngày càng tinh vi, khó phân biệt và có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử lý 16 vụ xâm phạm giả mạo về nhãn hiệu với số tiền phạt hơn 122 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 90 triệu đồng. Đặc biệt, Tòa án Nhân dân tỉnh đã xử lý 1 vụ vi phạm bản quyền sáng chế với số tiền phạt hơn 272 triệu đồng. Mới đây nhất, trong tháng 4-2017, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý 57 vụ vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, hàng giả và xâm phạm về SHTT.

Để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14-6-2016). Theo đó, sẽ hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho ít nhất 70 sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh; hỗ trợ ít nhất 100 doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ …

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ bảo hộ quyền SHTT. Không những thế, qua việc điều tra, khảo sát việc quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tại các địa phương, Sở cũng đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ bảo hộ đặc sản địa phương cho gạo Krông Ana, tinh dầu sả Ea Tir (Ea H’leo), mắc ca Krông Năng và gà thịt Ea Kar…

Theo ông Dương Bình Tuy, thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp không chỉ đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành liên quan mà trước hết phải có sự phối hợp, chủ động của chính các chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh. Do đó, các cơ sở trước khi định hướng sản phẩm ra thị trường nên đăng ký bảo hộ quyền SHTT để tránh tình trạng bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Hơn thế nữa, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, bảo vệ quyền của mình trong quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ, mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ, phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương.

Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền SHTT, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-UBND, ngày 8-1-2015 về Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, từ ngày 8-1-2015, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT sẽ được hỗ trợ bằng tiền với hình thức chuyển khoản. Mức hỗ trợ thấp nhất là 1 triệu đồng cho Nhãn hiệu và cao nhất 700 triệu đồng đối với Chỉ dẫn địa lý.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.