Quản lý trật tự xây dựng: Hiệu quả từ việc thực hiện quy chế phối hợp
Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và chính quyền địa phương các cấp đã góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp.
Sau khi Nghị định 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 20/QĐ-UBND ngày 27-6-2014 kèm quy chế phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng với chính quyền địa phương các cấp về quản lý TTXD trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã tạo hành lang pháp lý, xác định rõ nguyên tắc xử lý, công khai minh bạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, quy định các nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan.
Việc phân cấp quản lý, tăng cường tính chịu trách nhiệm cụ thể khi thực hiện quy chế phối hợp đã góp phần chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong quản lý TTXD. Công tác chỉ đạo của UBND cấp huyện, thị xã, thành phố thường xuyên hơn; bên cạnh việc tuyên truyền, hoạt động kiểm tra, giám sát cũng được đẩy mạnh. Nếu năm 2015, trong số 1.994 công trình các loại được kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 363 công trình vi phạm (chiếm 19,2%), thì năm 2016, qua kiểm tra 2.842 công trình, phát hiện 245 công trình vi phạm (chiếm 8,6%), giảm 9,6% so với năm 2015.
Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thực hiện quy chế phối hợp, thành phố đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị liên quan và các xã, phường thực hiện kiểm tra, giám sát 100% các trường hợp phát sinh về xây dựng và sử dụng đất trên địa bàn thành phố; xử lý kiên quyết, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm, buông lỏng quản lý. Xã, phường nào để phát sinh trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích, sang nhượng trái phép sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu. Nhờ đó, tình hình TTXD trên địa bàn thành phố đang từng bước đi vào nền nếp.
Lực lượng chức năng TP. Buôn Ma Thuột cưỡng chế nhà xây dựng trái phép ở phường Khánh Xuân. |
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, do được cụ thể hóa trách nhiệm của UBND các cấp huyện, xã, Thanh tra Sở Xây dựng, đặc biệt là tăng cường vai trò của UBND cấp xã nên sau khi quy chế phối hợp được ban hành, công tác quản lý nhà nước về TTXD đô thị được quan tâm thường xuyên và liên tục hơn; đảm bảo thống nhất theo thẩm quyền; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, những vi phạm về TTXD trong tỉnh ở quy mô lớn không còn xảy ra.
Tuy nhiên, công tác quản lý về TTXD vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại: địa bàn rộng, diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp còn nhiều, dân di cư không theo kế hoạch tăng nhanh, dẫn đến việc sang nhượng, lấn chiếm đất để xây dựng trái phép diễn ra phức tạp; một số địa phương còn buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng công trình không phép, sai phép trên đất nông nghiệp, đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng; việc xử lý vẫn chưa triệt để, chỉ dừng lại xử phạt hành chính, thiếu kiên quyết trong việc cưỡng chế công trình vi phạm; công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về xây dựng còn hạn chế, chưa nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng.
Do đó, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Thanh tra Sở Xây dựng tăng cường đôn đốc, kiểm tra tình hình TTXD trên địa bàn, xử lý dứt điểm công trình xây dựng vi phạm. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm về TTXD trên địa bàn.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc