Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ nuôi bồ câu Pháp

10:15, 24/09/2017

Do đồng lương không đủ trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học, nên anh Ngô Quế, giáo viên ở thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) luôn trăn trở làm cách nào để có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Năm 2011, anh tình cờ đọc thông tin trên báo chí về những mô hình chăn nuôi giỏi trong đó có mô hình nuôi bồ câu Pháp ở miền Bắc. Sau khi tham khảo ý kiến từ các chuyên gia ngành nông nghiệp địa phương, anh Quế đã đầu tư 40 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 50 cặp bồ câu bố mẹ về nuôi thử nghiệm.

Từ một trang trại chỉ có quy mô khoảng 70 m2, đến nay, trang trại của anh đã có quy mô trên 300 m2 với hơn 600 cặp bồ câu bố mẹ. Trung bình mỗi năm anh xuất bán trên 7.000 cặp bồ câu giống, với giá từ 400.000 – 600.000 đồng/cặp, cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Năm 2013, anh còn xây dựng một website gây dựng thương hiệu Bồ câu Pháp Quế Hoa tại địa chỉ http://bocauphaptaynguyen.com được nhiều người biết đến.

Anh Quế đang chăm sóc bồ câu.
Anh Quế đang chăm sóc bồ câu.

Theo anh Quế, việc nuôi bồ câu Pháp không mấy khó khăn bởi thức ăn cho loại chim này chủ yếu là từ ngô, lúa dễ dàng tìm mua. Chuồng trại làm khá đơn giản, thân lồng bằng gỗ tạp, xung quanh được bao bằng lưới B40 thoáng mát. Mỗi lồng rộng từ 5 - 10 m2, được chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn thả nuôi từ 1 - 2 con chim bồ câu. Đặc biệt, giống bồ câu Pháp là loại rất ít dịch bệnh, thường thì 3 - 4 ngày vệ sinh chuồng trại một lần. Bồ câu là loài sinh trưởng nhanh, nuôi 6 tháng là chúng bắt đầu sinh sản, mỗi cặp bồ câu có thể đẻ 8 - 10 lứa/năm. Chim bồ câu tự ấp trứng và nuôi con, mỗi cặp sinh sản được bố trí nuôi trong lồng riêng, lấy lá khô hay rơm rạ để làm ổ cho chim non ở. Anh Quế chia sẻ thêm: “Hiện nay có hai cách nuôi bồ câu Pháp là nuôi theo quần thể và nuôi theo cá thể. Nếu như nuôi theo quần thể thì ưu điểm là ít tốn kém làm chuồng trại, thuận tiện cho việc chăm sóc nhưng lại dễ xuất hiện bệnh tật, khó phân loại chim và năng suất chỉ đạt khoảng 60%. Còn nuôi cá thể theo từng cặp tuy tốn công làm chuồng, chăm sóc tỉ mỉ hơn nhưng năng suất đạt tới 90%... Công việc chăm sóc bồ câu Pháp của tôi cũng khá đơn giản, ít tốn kém thời gian, mỗi ngày tôi chỉ cần bỏ ra khoảng 3 giờ cho cả hai buổi là xong hết mọi việc”.

Trang trại nuôi bồ câu Pháp của anh Quế hiện đang là địa điểm được nhiều nông dân khắp nơi tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Anh dự định đến cuối năm nay sẽ tiếp tục hoàn thiện việc mở rộng xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô lớn gấp 5 lần như hiện nay. Ngoài nuôi cung cấp giống cho bà con, anh còn dự kiến nuôi thương phẩm bởi nhu cầu của các nhà hàng, quán ăn đang rất lớn.

Bá Thăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.