Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu mới từ ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí, chế tạo

08:11, 31/10/2017

Trong những năm qua, cơ khí, chế tạo là lĩnh vực công nghiệp có thế mạnh của Đắk Lắk với nhiều sản phẩm tạo được thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, những hạn chế về công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của lĩnh vực này.

Theo Hội Cơ khí Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành cơ khí, chế tạo, với một số sản phẩm có thế mạnh như dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân; thiết bị xát khô, xát tươi cà phê, thiết bị hái, rang, xay cà phê; bơm điện thả chìm…

Tuy nhiên, CNHT cho sản xuất cơ khí, chế tạo máy còn yếu, chưa có nhiều nhà máy đúc gang, thép lớn, nhà máy gia công chính xác và các cơ sở nhiệt luyện, xử lý bề mặt. Điều này dẫn đến những hạn chế của ngành cơ khí là chất lượng sản phẩm, độ tinh xảo của hàng hóa chưa cao, trình độ chuyên môn hóa sản phẩm cơ khí và trình độ tổ chức sản xuất hàng loạt còn thấp.

Vận hành thử nghiệm lò đốt bằng công nghệ FLOX kết hợp nhiệt phân tại Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền.
Vận hành thử nghiệm lò đốt bằng công nghệ FLOX kết hợp nhiệt phân tại Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền.

Ngành cơ khí có nhu cầu rất lớn về các linh kiện, chi tiết máy đòi hỏi độ bền, chính xác cao phục vụ quá trình chế tạo, lắp ráp. Trước đây, DN đúc gang, thép trong tỉnh chưa có khả năng sản xuất sản phẩm này, nên các cơ sở cơ khí phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc mua ở địa phương khác. Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số cơ sở đúc quy mô lớn, công nghệ hiện đại có khả năng sản xuất các linh kiện, vật liệu hỗ trợ ngành cơ khí.

Đáng chú ý nhất là công nghệ lò trung tần trong nấu luyện gang để sản xuất các sản phẩm gang đúc được Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải (Cụm công nghiệp Tân An 1) đưa vào vận hành từ năm 2015. Với công nghệ này, công suất hoạt động của cơ sở tăng từ 0,5 tấn sản phẩm/giờ lên 1 tấn sản phẩm/giờ; giảm chi phí, nhân công và hạn chế ô nhiễm môi trường so với công nghệ cũ. Điều đáng nói là công nghệ này có khả năng sản xuất hàng trăm sản phẩm gang, thép, nhôm, đồng từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm độ uốn, dẻo và khả năng chịu lực của ngành cơ khí, nhất là bugi, bánh răng và các phụ kiện khác.

Đúc gang bằng công nghệ lò trung tần tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải.
Đúc gang bằng công nghệ lò trung tần tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải.

Một công nghệ khác cũng hỗ trợ tích cực cho ngành cơ khí là công nghệ lò đốt FLOX phối hợp nhiệt phân do Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền nghiên cứu, ứng dụng. Lò đốt này sử dụng phế phẩm nông nghiệp đốt nóng ở nhiệt độ 1.200oC không thải CO2, khói bụi gây ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm là than sinh học. Công nghệ này được ứng dụng trong các loại máy sấy nông sản, công suất 4 tấn quả tươi/mẻ, giá thành chỉ bằng 2/3 so với sản phẩm cùng loại sản xuất ở nước ngoài. Với công nghệ đốt tiên tiến, công ty không chỉ sản xuất hệ thống máy sấy phục vụ các DN trong nước mà còn xuất khẩu sang Brazil, Srilanca và các nước Châu Âu.

Tuy nhiên, theo các nhà chế tạo, sản xuất cơ khí, CNHT mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thiết bị, linh kiện và chi tiết máy, đặc biệt là sản phẩm khối lượng lớn, đòi hỏi tính chính xác cao thì chưa đáp ứng được. Nguyên nhân là CNHT cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân lực trình độ cao nên chưa có nhiều DN ở địa phương đủ năng lực đầu tư.

Nhằm thúc đẩy phát triển CNHT cơ khí, ngành Công thương đang triển khai Dự án Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Cụ thể, sẽ thu hút các dự án CNHT cơ khí nền tảng đầu tư vào địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và một số huyện, thị xã, hình thành các cụm liên kết cơ khí trong chuỗi giá trị sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt, xây dựng nhiều dự án lớn như nhà máy gia công chính xác, công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng; nhà máy nhiệt luyện, xử lý bề mặt công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng; nhà máy đúc công nghệ cao công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng…

Với các dự án này, sẽ có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các DN trong lĩnh vực CNHT về huy động vốn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, triển lãm giới thiệu sản phẩm…, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư; đồng thời, tăng cường liên kết hình thành chuỗi giá trị sản xuất góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN... Hy vọng, đây sẽ là “cú hích” mạnh mẽ trong việc thu hút các nhà đầu tư CNHT, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, chế tạo của địa phương.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.