Multimedia Đọc Báo in

Chung quanh sự việc "nóng" ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm: Doanh nghiệp khốn đốn vì hộ nhận khoán không chịu nộp sản lượng

08:18, 08/12/2017

Với nhiều lý do khác nhau như hạn hán, mất mùa, sản lượng kém… nhưng mấu chốt sự việc ở đây là một số đối tượng xấu lợi dụng xúi giục nên từ năm 2016 đến nay, nhiều hộ nhận khoán sản xuất, kinh doanh cà phê cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cố tình “chây ỳ” không nộp sản lượng theo hợp đồng đã ký kết.

Năm 1993, Bộ Lâm nghiệp đã có Quyết định số 424/TCLD ngày 28-5-1993 giao cho Lâm trường Buôn Ja Wầm (sau nhiều lần đổi tên, đến năm 2010 đổi thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) quản lý 16.940 ha đất trên địa bàn 2 xã Ea Kiết và Ea Kuêh (huyện Cư M’gar). Năm 1996, công ty lập dự án trồng và sản xuất, kinh doanh cà phê trên diện tích 400 ha, với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1986/QĐ-UB ngày 14-10-1996. Ngay sau đó, công ty đã ký kết hợp đồng giao khoán với các hộ dân trên địa bàn có nhu cầu nhận chăm sóc, thu hoạch và đóng sản lượng cho công ty. Năm 2003, toàn bộ diện tích 400 ha cà phê này được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2007, UBND tỉnh thu hồi 2.894 ha đất của công ty để giao cho UBND huyện Cư M’gar quản lý (400 ha đất trồng cà phê của công ty không nằm trong diện tích đất thu hồi này).

Vườn cà phê trồng xen hồ tiêu xanh tốt của một hộ nhận giao khoán với công ty.
Vườn cà phê trồng xen hồ tiêu xanh tốt của một hộ nhận giao khoán với công ty.

Ông Trần Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cho biết: Năm 1996, công ty bỏ vốn đầu tư trồng 400 ha cà phê trong 4 năm (1 năm kiến thiết và 3 năm chăm sóc) sau đó giao cho các hộ dân nhận chăm sóc trên cơ sở đơn xin nhận khoán của các hộ; hằng năm các hộ nhận khoán có nghĩa vụ đóng cho công ty 2.832 kg cà phê quả tươi/ha. Từ khi giao khoán đến hết năm 2015, các hộ đều đóng sản lượng đầy đủ theo hợp đồng ký kết. Nhưng từ năm 2016 đến nay, các hộ nhận khoán không chịu đóng sản lượng. Cụ thể niên vụ cà phê năm 2016-2017 chỉ có 62/410 hộ nhận khoán nộp sản lượng (được 200 tấn cà phê tươi/600 tấn theo chỉ tiêu). Vụ cà phê năm 2017-2018 (tính đến hết tháng 11-2017) các hộ mới chỉ nộp hơn 50 tấn cà phê tươi/586 tấn theo chỉ tiêu. “Các hộ nhận khoán không nộp sản lượng khiến công ty không có nguồn thu để chi trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ... cho gần 80 lao động, dễ dẫn đến nguy cơ bị phá sản”, ông Lâm bức xúc.

Điều đáng nói trong vụ cà phê 2016-2017, vì thời tiết hạn hán nên công ty đã có chủ trương giảm 15% sản lượng nhưng một số hộ nhận khoán vẫn không chịu nộp sản lượng. Bên cạnh đó, công ty đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi như: đối với những cây bị hư hại, không đạt năng suất được phá đi và trồng lại, công ty không thu sản lượng trong 4 năm; cho trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê mà không thu sản lượng… nhưng một số hộ vẫn cố tình “chây ỳ”. Công ty đã tích cực phối hợp với những hộ nhận khoán tìm cách giải quyết, nhưng do bị đối tượng xấu kích động, xúi giục nên một số hộ dân đã viết đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đưa ra những “yêu sách” vô lý như: phải giảm sản lượng từ 80 đến 100%; đòi trả đất về cho địa phương để cấp cho các hộ dân nhận khoán…

Những kiến nghị trên đã được các cơ quan có thẩm quyền trả về cho công ty giải quyết, nhưng các hộ nhận khoán vẫn cố tình không phối hợp để giải quyết sự việc. Đơn cử theo kế hoạch, vào ngày 16-11-2017, Chi cục Thi hành án huyện Cư M’gar sẽ tiến hành cưỡng chế sản phẩm cà phê trên vườn cây của gia đình ông Bùi Đức Ái (trú thôn 5, xã Ea Kiết), để thu nợ cho công ty thì vào ngày 11 và 12-11-2017, một số đối tượng đã huy động khoảng 60 người dân tiến hành thu hái cà phê trên vườn cây gia đình ông Ái nhận khoán với công ty. Tiếp đó, ngày 15-11-2017, tại vườn cà phê của ông Trần Đăng Trầm (trú thôn 11, xã Ea Kiết) đang nhận khoán với công ty, có khoảng 50 người dân ra ngăn cản không cho TAND huyện Cư M’gar định giá vườn cây để tiến hành xét xử theo quy định.

Dù cà phê đã thu hoạch, nhưng người dân nhận giao khoán vẫn không muốn nộp sản lượng.
Dù cà phê đã thu hoạch, nhưng người nhận giao khoán  vẫn không muốn nộp sản lượng cho công ty.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Xí nghiệp Cà phê (đơn vị thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) cho biết thêm: Đầu năm 2017, gia đình ông và vài người khác trong công ty bị kẻ gian chặt gần 100 trụ tiêu nhằm “dằn mặt” công ty. Hay như tháng 9-2017, hơn 4.000 cây keo lai của công ty đang phát triển tốt (trồng tháng 6-2017) cũng bị một số đối tượng xấu phá hoại, nhổ bỏ. 

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, chúng tôi đã đến nhà một số hộ nhận khoán của công ty. Ông Trần Trung Tính (trú thôn 11, xã Ea Kiết) xác nhận: Vào năm 2008, gia đình ông có nhận lại từ một người khác 1,3 ha cà phê của công ty. Từ năm 2015 trở về trước, gia đình ông cũng như hầu hết các hộ nhận giao khoán đều đóng sản lượng đầy đủ, nhưng do mấy năm nay bị mất mùa, hạn hán… nên chưa thực hiện nghĩa vụ. Niên vụ cà phê năm nay, gia đình ông chưa thu hoạch xong nên chưa đóng sản lượng. Còn ông Nguyễn Văn Hưng (trú thôn 14, xã Ea Kiết) cũng thừa nhận: Có nhận lại của người khác 3,5 ha cà phê vào năm 2000. Niên vụ 2016-2017, ông chỉ nộp vỏn vẹn 100 kg cà phê tươi cho công ty; còn vụ này ông chưa nộp, mà đợi UBND tỉnh điều tra, làm rõ nguồn gốc đất của gia đình rồi mới tính tiếp (?!).

Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết: Thời gian qua, ông Phan Xuân Lương (ở thôn 1, xã Ea Kiết) đại diện cho khoảng 50 hộ nhận khoán cà phê với công ty có gửi đơn kiến nghị đến xã. UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể và ban tự quản các thôn đến tuyên truyền, vận động người dân không gây mất an ninh trật tự; đồng thời cần thực hiện nghiêm túc hợp đồng giao khoán vườn cà phê giữa hộ gia đình và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm. Vừa qua, trên địa bàn xã cũng xảy ra tình trạng tụ tập đông người, gây ảnh hưởng an ninh nông thôn và tạo dư luận không tốt trong xã hội. Mỗi khi như vậy, lực lượng công an xã cũng đã đến giải tán nhưng các đối tượng này có những hành động cản trở chống đối. Thậm chí họ không cho lực lượng chức năng vào nhà hoặc đưa phụ nữ, trẻ em ra đối phó để tạo áp lực với chính quyền. Ông Hiệp cũng rất mong muốn các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh cần nhanh chóng vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình hình trên, tránh tình trạng tụ tập, khiếu kiện đông người.

Còn ông Lê Nam Cao, Phó Bí thư Huyện ủy Cư M’gar khẳng định: Huyện ủy đã nhận được báo cáo về việc các hộ dân nhận khoán vườn cà phê không đóng sản lượng cho công ty cũng như việc một số đối tượng xúi giục, kích động người dân. Hiện nay, Huyện ủy đang chỉ đạo các ngành liên quan báo cáo cụ thể, chi tiết hoạt động của một số đối tượng có hành vi xúi giục, kích động người dân; điều tra, làm rõ các vụ chặt phá cây trồng trên địa bàn; tổng hợp các chứng cứ, hồ sơ liên quan đến việc người dân tẩu tán tài sản trên diện tích cơ quan thi hành án dự định cưỡng chế; xây dựng các phương án tham mưu cho Huyện ủy để có hướng giải quyết…

Như vậy, việc người dân “chây ỳ” không nộp sản lượng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã diễn ra 2 năm nay, chính quyền địa phương cũng như công ty đã rất nỗ lực trong việc tháo gỡ những vướng mắc, tuy nhiên do bị một số đối tượng xúi giục, lôi kéo nên sự việc ngày càng diễn biến phức tạp. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện sớm nhanh chóng vào cuộc để giải quyết dứt điểm, nhằm bảo đảm quyền lợi giữa các bên và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Hà Duy


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.