Multimedia Đọc Báo in

Đê bao Quảng Điền trước nguy cơ bị "vô hiệu hóa"

08:40, 12/12/2017

Thời gian gần đây, mưa lũ kéo dài đã khiến hệ thống đê bao Quảng Điền (huyện Krông Ana) không chỉ bị sạt lở nhiều nơi mà còn đang đứng trước nguy cơ bị "vô hiệu hóa" nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.

Hệ thống đê bao Quảng Điền có chiều dài gần 45 km, đi qua các xã Bình Hòa, Dur Kmăl và Quảng Điền. Công trình này đang góp phần bảo vệ khoảng 2.000 ha lúa nước, ổn định đời sống, hoạt động sản xuất cho hơn 1.800 hộ dân, với 9.000 nhân khẩu.

Thiết kế của đê bao phù hợp với điều kiện nước tràn qua khi lũ chính vụ, nhưng thời điểm này mới chỉ vào đầu mùa lũ, toàn bộ 45km đê bao đã bị chìm dưới nước. Nước lớn cộng với gió mùa đông – bắc thổi mạnh tạo nên những đợt sóng lớn đánh vào bờ bao khiến nhiều đoạn đê bị sạt lở trước đó hư hỏng nặng nhiều đoạn khác đang có nguy cơ sạt lở rất cao. Trước đây, sau đợt mưa lũ kéo dài vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2016, theo khảo sát của UBND huyện Krông Ana, trên toàn tuyến đê bao Quảng Điền có 20 điểm sạt lở nghiêm trọng kéo dài từ 800m đến 1.200m và hàng chục điểm sạt lở cục bộ.

Đê bao Quảng Điền gần như đã bị ngập hoàn toàn.
Đê bao Quảng Điền gần như đã bị ngập hoàn toàn.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Điện Bàn Dương Hiến Bình cho biết, chưa năm nào lũ đầu vụ lại lên cao như năm nay, đáng ngại là lúc này lại trùng với thời điểm gió mùa đông - bắc thổi mạnh nhất nên sự an toàn của đê bao Quảng Điền đang bị đe dọa. Nếu tình trạng này kéo dài, khả năng vào đỉnh mùa lũ, đê bao Quảng Điền sẽ bị “vô hiệu hóa” và như vậy khi vào mùa sản xuất, chỉ cần có một trận lũ tiểu mãn, nước sông cũng có thể tràn vào đồng ruộng khiến toàn bộ diện tích sản xuất bị ngập, ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ.

Nước sông Krông Ana dâng cao đến dạ cầu.
Nước sông Krông Ana dâng cao đến dạ cầu.

Được biết, trong những năm qua, để bảo đảm việc sản xuất và đi lại của người dân, hằng năm sau mỗi mùa mưa lũ, các xã có đê bao đi qua đã sử dụng một phần ngân sách địa phương và huy động các hợp tác xã cùng nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động để sửa chữa hệ thống đê bao này. Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay, gió, nước quá lớn, hệ thống đê bao đã ngập hoàn toàn nên việc sửa chữa gần như không thể thực hiện được.

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Võ Đại Huế, để sửa chữa những đoạn đê bao bị sạt lở do hậu quả đợt mưa lũ kéo dài vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2016, tỉnh đã phê duyệt dự án có kinh phí trên 5 tỷ đồng, nhưng nhanh nhất phải đến đầu năm 2018, dự án trên mới được triển khai. Trong khi đó, với tình hình hiện nay, rất có khả năng những đoạn hư hỏng cũ chưa được sửa chữa sẽ càng bị hỏng nặng hơn, chưa kể còn nhiều đoạn đê khác sẽ tiếp tục bị hư. Và như vậy thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề khi gặp lũ chính vụ.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.