Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo bền vững: Từ những trăn trở ở Cư Bao

06:16, 19/01/2018

Xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) có tổng diện tích tự nhiên 4.416 ha, dân số 12.503 người (2.699 hộ), gồm 18 thôn, buôn trong đó 12 thôn người Kinh và 6 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ, với 1.147 hộ (5.592 người) chiếm tỷ lệ 44,7%. Giai đoạn 2011- 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của xã mỗi năm giảm 1,5-2%.

Thông qua thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo, những năm qua chính quyền địa phương đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Như gia đình anh Hồ Văn Dương, dân tộc Cơ Ho ở buôn Kwang A, mặc dù có 7 sào đất sản xuất, nhưng nhiều năm luôn trong tình trạng thiếu đói. Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và các chương trình giảm nghèo, anh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời với sự giúp đỡ của các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương, anh cũng tham gia nhiều hội thảo khuyến nông, qua đó đã học hỏi, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Sau 2 năm chịu khó làm kinh tế, năm 2017 gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, và là gia đình duy nhất trong buôn sau hơn 10 năm mới thoát được nghèo.

Vườn tiêu của gia đình chị Hà Thị Thành ở thôn Sơn Lộc 1.
Vườn tiêu của gia đình chị Hà Thị Thành ở thôn Sơn Lộc 1.

Việc thực hiện chính sách giảm nghèo hiệu quả trong những năm qua ở xã Cư Bao đã góp phần tạo việc làm, thu nhập tối thiểu cho người dân, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ, bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin). Để có được kết quả này, xã Cư Bao đã triển khai đồng bộ các giải pháp: đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện đồng bộ, đúng quy định; tuyên truyền giúp người dân kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách, chế độ hỗ trợ đối với người nghèo. Bên cạnh đó, phối hợp với Ngân hàng CSXH giúp người nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập…

Để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thực sự hiệu quả thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tự lực, tự cường của các hộ nghèo được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Bởi chỉ có ý thức tự giác, tự lực mới có thể giúp họ không ngừng nỗ lực vươn lên. 

Tuy nhiên, kết quả của việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương vẫn chưa bảo đảm tính bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn hiện hữu. Như gia đình chị Hà Thị Thành, ở thôn Sơn Lộc 1, sau khi được sự hỗ trợ của Ngân hàng CSXH vay vốn phát triển sản xuất, gia đình chị đã mạnh dạn làm đơn xin thoát nghèo vào năm 2016, nhưng hoàn cảnh hiện tại vẫn đang gặp nhiều khó khăn do chồng bị bệnh tật; con gái lớn của chị đang học lớp 10 đã nghỉ học để đi làm thêm phụ giúp gia đình vì không còn được hỗ trợ từ chính sách hộ nghèo như trước đây. Và nguy cơ trở thành hộ cận nghèo hoặc tái nghèo vẫn luôn hiện hữu. Chưa kể, trong số 131 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ gần 5% dân số của toàn xã) hiện nay có một số gia đình mặc dù được chính quyền, hội đoàn thể hỗ trợ nhưng không thể vươn lên thoát nghèo phần lớn vì hoàn cảnh gia đình đơn thân lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật...

Những trăn trở của Cư Bao cũng là khó khăn chung của một số địa phương trong tỉnh. Nguyên nhân như một số cán bộ giảm nghèo qua thực tế triển khai thực hiện tại địa phương đã thừa nhận là do công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm; việc sử dụng vốn vay xóa đói, giảm nghèo hiệu quả chưa cao; một số hộ nghèo còn thiếu ý thức phấn đấu, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước nên chưa phát huy hết khả năng, các nguồn lực tại chỗ để tự lực phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, việc tổ chức huy động các nguồn lực tại chỗ còn hạn chế, chưa thường xuyên; sự phối hợp giữa các đoàn thể, các tổ chức xã hội chưa nhịp nhàng; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong việc giúp nhau xóa đói, giảm nghèo chưa đi vào chiều sâu. Thêm vào đó, đa số hộ nghèo có trình độ thấp nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh chưa có hiệu quả…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.