Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả ban đầu từ mô hình nuôi gà thả vườn

09:08, 16/01/2018

Thực hiện chủ trương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện M’Đrắk đã xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tại hai xã Ea Pil và Cư Prao.

Trong đó mô hình nuôi gà thả vườn ở Ea Pil đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình cải thiện thu nhập.

Tại xã Ea Pil có 14 hộ thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn với tổng đàn khoảng 4.200 con giống. Để mô hình đạt hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện M’Đrắk đã phối hợp với UBND xã Ea Pil lựa chọn các hộ gia đình có đủ điều kiện đáp ứng đầy đủ yêu cầu như: có diện tích chuồng nuôi, sân thả để gà tự do đi lại trong một không gian giới hạn, hàng rào bao quanh để ngăn cách với vùng lân cận; có vốn để đối ứng thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng ngoài phần được hỗ trợ; cam kết tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống mua từ cơ sở an toàn, một phần kinh phí mua vắc-xin phòng bệnh, thuốc khử trùng và thức ăn hỗn hợp; ngoài ra còn được tập huấn, cấp tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà...

Mục tiêu của mô hình là hướng người nông dân quen dần và đi tới chỗ bỏ hẳn tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo phương thức mới, mỗi hộ nuôi từ 200 - 500 con gà bằng các giống thả vườn. Điều quan trọng nhất là người chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh thú y tổng hợp từ khâu chọn giống, phòng bệnh, thức ăn, chuồng trại… Với phương thức đầu tư bán thâm canh, mỗi năm người nông dân có thể nuôi được từ 3 - 5 lứa gà, giúp tăng thu nhập đáng kể.

Đàn gà nuôi theo mô hình thả vườn của bà Nguyễn Thị Dung (thôn 2, xã Ea Pil).
Đàn gà nuôi theo mô hình thả vườn của bà Nguyễn Thị Dung (thôn 2, xã Ea Pil).

Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Dung (thôn 2, xã Ea Pil) chăn nuôi theo hướng truyền thống với các giống gà địa phương nên mặc dù thời gian chăn thả dài nhưng năng suất, sản lượng thấp. Tháng 9-2017, gia đình bà thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn BT2 với 200 con giống, được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và vắc-xin phòng chống dịch bệnh. Theo so sánh của bà Dung, nuôi quảng canh giống gà địa phương như trước đây thì phải mất tối thiểu 4,5 tháng gà mới đạt trọng lượng xuất chuồng, nhưng với mô hình này, chỉ sau 80 ngày tuổi gà trống đã đạt trọng lượng trung bình 2 - 2,2 kg/con, gà mái 1,8 kg/con. Bên cạnh đó, nhờ tiêm phòng đầy đủ tất cả các bệnh như: gumboro, đậu, dịch tả, cầu trùng, tụ huyết trùng… nên trong suốt quá trình nuôi hầu như không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Hiện nay, với mức giá gà thịt khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, sau 3 tháng nuôi, đàn gà thả vườn đã mang lại cho gia đình bà Dung thu nhập hàng chục triệu đồng.

Theo tính toán của bà Đào Thị Mười (cũng ở thôn 2), sau hơn 3 tháng thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn, mặc dù thời tiết gặp nhiều bất lợi do mưa kéo dài, giá rét nhưng đàn gà sinh trưởng nhanh, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 1,8 – 2 kg, ít bệnh, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 85%. Đặc biệt, đàn gà chuẩn bị xuất chuồng này có nhiều ưu điểm như: thịt vàng tươi, săn chắc, thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ bán, giá bán cao hơn giá thị trường từ 5.000 – 7.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk nhận định, việc áp dụng mô hình chăn nuôi gà thả vườn qua phương thức đầu tư bán thâm canh bước đầu mang lại hiệu quả, đáp ứng với điều kiện nuôi thả tại các vùng nông thôn. Các địa phương và người dân nên phát triển, mở rộng mô hình chăn nuôi này để tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.