Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ một mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản luân chuyển

10:48, 15/01/2018

Sau hơn 3 năm thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản luân chuyển”, đến nay các hộ nghèo tại buôn Cư Knao (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) đã có được “chiếc cần câu” để vươn lên thoát nghèo.

Cư Knao là buôn đặc biệt khó khăn của huyện Cư Kuin, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, với 125 hộ, 626 khẩu. Mặc dù được hưởng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhưng đến nay buôn vẫn có 68 hộ nghèo và duy nhất 1 hộ thuộc loại khá.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Phòng NN-PTNT huyện trao bò cho hộ nghèo ở buôn Cư Knao.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Phòng NN-PTNT huyện trao bò cho hộ nghèo ở buôn Cư Knao.

Trước thực trạng trên, năm 2014 Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin đã phối hợp với UBND xã Hòa Hiệp, cấp ủy, ban tự quản và các đoàn thể buôn Cư Knao thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản luân chuyển” nhằm nâng cao thu nhập và giúp người dân nơi đây thoát nghèo. Theo đó, Dự án đã giao 4 con bò cái đến thời kỳ sinh sản cho 4 hộ nghèo trong buôn, đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc. Các hộ nhận bò về nuôi sẽ được hưởng con đầu tiên, con thứ hai được 9 tháng tuổi thì giao trả lại Ban quản lý (BQL) để hỗ trợ cho hộ khác (nếu là con đực thì phải bán đi và mua con cái trả cho BQL luân chuyển sang hộ khác). Con thứ ba chủ hộ được hưởng và khi nó đạt 9 tháng tuổi phải trả bò mẹ cho BQL bán thanh lý, sẽ giảm 20% giá bán với hộ trực tiếp nuôi. Số tiền thanh lý bò mẹ được trích 50% vào nguồn vốn tái đầu tư, phần còn lại dành cho các cấp hội trực tiếp quản lý.

Đàn bò của gia đình anh Y Khễn Bdap sau 3 năm được nhận hỗ trợ bò.
Đàn bò của gia đình anh Y Khễn Bdap sau 3 năm được nhận hỗ trợ bò.

Sau hơn 3 năm thực hiện Dự án, hiện đàn bò đang phát triển tốt, các hộ tham gia mô hình rất cần cù và chịu khó nên mang lại hiệu quả cao. Đến nay, 4 con bò cái đã sinh được 10 con bê, tất cả đều khỏe mạnh và phát triển ổn định; 4 con bê thứ 2 đã được luân chuyển cho 4 hộ nghèo tiếp theo. Là một trong những hộ may mắn được nhận bò ban đầu, chị H’Ni Ađrơng cho biết, gia đình chị nhận một con bò cái năm 2014, đến nay bò đã sinh được 3 con, gia đình đã giao cho hộ khác 1 con. Hằng tháng, BQL dự án đến kiểm tra, hướng dẫn cách phòng chống bệnh cho đàn bò, vì thế mà đàn bò luôn khỏe mạnh. Được biết, gia đình chị có 5 nhân khẩu, mỗi năm chỉ canh tác được một vụ với 5 sào đất trồng điều, nhờ được nhận bò mà kinh tế nay đã ổn định hơn. Tương tự, chị H’Nem H’long chia sẻ, hai vợ chồng có 5 sào lúa nước (2 vụ), mỗi vụ làm được trên 3 tấn, mọi chi phí đều trông chờ vào đó nên cuộc sống rất khó khăn. Khi được nhận hỗ trợ bò, gia đình rất vui mừng vì có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế. Được gia đình chăm sóc tốt, đến nay bò mẹ đã sinh được 3 con, gia đình vừa chuyển cho hộ khác 1 con, giờ còn 2 con sẽ để nuôi lớn dành trang trải cho con đi học.

Theo Phòng NN-PTNT, trong quá trình thực hiện dự án, BQL thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện định kỳ 1 tháng/lần về tình hình sinh trưởng, phát triển mô hình, tiếp nhận bò luân chuyển để hỗ trợ cho các hộ nghèo khác. Việc nuôi bò còn tận dụng được rơm, cỏ, thân và lá ngô, đậu... là nguồn cung cấp phân bón hữu cơ vi sinh có tác dụng cải tạo môi trường đất. Dự án đã giúp cho các hộ nghèo không có điều kiện mua trâu bò về chăn nuôi, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Được biết, trong thời gian sắp tới, BQL dự án sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình trên địa bàn toàn huyện để người dân có điều kiện phát triển kinh tế.

Hương Trúc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.