Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh

13:21, 08/01/2018

Trong thời gian qua, nhiều hộ nông dân huyện M'Đrắk đã thoát nghèo và có thu nhập khá, vươn lên làm giàu nhờ các mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thôn 1, xã Krông Á (huyện M'Đrắk) hiện có 141 hộ, 429 khẩu; trong đó, hơn 50% số hộ có ao nuôi cá, hộ ít thì vài sào, hộ nhiều trên 1 ha. Trong thôn hiện có hơn 15 ha mặt nước nuôi cá, trong đó có nhiều diện tích là ruộng sình lầy, khó canh tác hoặc thường xuyên mất mùa nên chuyển sang nuôi cá, phần còn lại là do các hộ tận dụng các diện tích trống để đào ao, hồ nuôi cá. Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng thôn 1, cho biết, trước đây do chưa có kinh nghiệm nên bà con thả nuôi nhiều loại cá (trắm, chép, rô phi, mè, trê...) trong cùng một ao nên hiệu quả kinh tế không cao. Thời gian gần đây, nhờ nắm bắt được kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, bà con chỉ tập trung nuôi thả một số loại cá chính trong ao; thời gian thả nuôi từ 2-4 tháng, thời gian thu hoạch cá bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Các hộ có ao nuôi cá trong thôn hiện đều có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Nông dân tham quan mô hình nuôi cá lóc đen tại hộ ông Ngô Minh Chính (xã Cư Mta, huyện M'Đrắk).
Nông dân tham quan mô hình nuôi cá lóc đen tại hộ ông Ngô Minh Chính (xã Cư Mta, huyện M'Đrắk).

Gia đình anh Nguyễn Văn Ái, ở thôn 4, xã Cư Mta là một trong những hộ nông dân làm giàu nhờ chuyển đổi diện tích cấy lúa bấp bênh sang đào ao, thả cá. Với hơn 3 sào mặt nước, anh Ái lựa chọn công thức nuôi ghép 500 con cá trắm, 300 con cá trôi, 300 con cá chép. Không chỉ sử dụng thức ăn cho cá là cám công nghiệp, anh còn kết hợp nhiều loại thức ăn khác nhau phù hợp với từng loại cá và độ tuổi của cá để vừa nâng cao chất lượng thịt, vừa tận dụng được sản phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như: ngô, chất thải gia súc, gia cầm, cỏ… Do cá giống đã được nuôi với kích cỡ to hơn nên khi đưa sang ao nuôi thương phẩm chỉ sau 5 tháng đã cho thu hoạch, cá trắm cỏ đạt trọng lượng 3,5 kg/con, cá trôi đạt trọng lượng 1,5 kg/con. Anh Ái nhẩm tính, tổng sản lượng thu hằng năm đạt 7 tạ cá trắm, 8 tạ cá trôi và cá chép. Với giá bán trên thị trường dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg cá trắm cỏ,  30.000-35.000 đồng/kg cá trôi, cá chép, mỗi năm gia đình anh Ái thu trên 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng.

Nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh mở ra thêm hướng làm ăn cho nông dân huyện M’Đrắk, giúp nhiều hộ có thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống.

Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện M'Đrắk, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện là trên 370 ha, tập trung ở các xã Ea Lai, Cư Mta, Krông Á, thị trấn M’Đrắk… Để khuyến khích người dân đầu tư nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai quản lý chất lượng giống, quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Bên cạnh đó, huyện đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thông qua các chương trình dự án; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng và có khả năng nhân rộng cao. Riêng trong năm 2017, Phòng NN-PTNT đã phối hợp triển khai xây dựng được 7 mô hình nuôi cá truyền thống theo hướng thâm canh tại xã Ea Lai và thị trấn M'Đrắk; mở 55 lớp tập huấn và 4 cuộc hội thảo đầu bờ về thâm canh lúa lai, nuôi trồng thủy sản...  thu hút trên 1.700 lượt nông dân tham gia.

Ông Ngô Minh Chính (xã Cư Mta) thu hoạch cá lóc đen trong ao nuôi của gia đình.
Ông Ngô Minh Chính (xã Cư Mta) thu hoạch cá lóc đen trong ao nuôi của gia đình.

Các mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh đã giúp bà con nông dân và các hộ nuôi trồng thủy sản thấy được tầm quan trọng của việc chọn loại cá nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên từng vùng và khả năng đầu tư của các hộ; đồng thời nâng cao kiến thức kỹ thuật cho nông dân từ khâu cải tạo ao nuôi đến chăm sóc quản lý, phòng trị bệnh, góp phần nâng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện trong năm 2017 đạt trên 671 tấn, đạt 100,4% kế hoạch, tăng hơn 25 tấn so với cùng kỳ năm 2016.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.