Multimedia Đọc Báo in

Làng rau ở Ea Kmút rộn ràng vào vụ Tết

09:03, 16/01/2018

Thời điểm này, tại các làng rau ở xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) bà con nông dân đang tất bật chăm sóc những luống rau màu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới.

Trên các vườn rau ở xã Ea Kmút, rau đã được lên luống thẳng tắp, phủ một màu xanh non. Từ sáng sớm đến chiều tối luôn có người trồng, chăm sóc rau. Đang cặm cụi nhổ cỏ, xới đất cho những luống đậu cô ve, bà Phạm Thị Bầy (thôn Ninh Thanh 1) cho biết, cứ bắt đầu từ tháng 10 âm lịch người dân ở đây lại tất bật làm đất, lên luống, xuống giống để chuẩn bị cho vụ Tết. Gia đình bà có 3 sào đất trồng rau màu, năm nay bà dành 2 sào đất trồng hành, ngò, xà lách, dưa leo… để cung ứng cho thị trường Tết. Vụ rau này, thời tiết se lạnh có pha chút nắng ấm chứ không gặp phải mưa nhiều hay nắng gắt nên rất thuận lợi cho cây rau phát triển, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Bà Phạm Thị Bầy (thôn Ninh Thanh 1) chăm sóc vườn đậu cô ve của gia đình.
Bà Phạm Thị Bầy (thôn Ninh Thanh 1) chăm sóc vườn đậu cô ve của gia đình.

Theo bà Bầy, ở đây trồng gối đầu đủ các loại rau nên lúc nào cũng có thu nhưng vào dịp Tết nhu cầu tiêu thụ cao nên lượng rau trồng phải gấp 2-3 lần so với ngày thường. Làm rau tuy vất vả, tốn nhiều công, lúc nào cũng phải có mặt ở vườn để chăm sóc nhưng đổi lại có thu nhập ổn định, không phải lo đầu ra vì có thương lái vào thu mua tận nơi. Nghề trồng rau đã giúp cho gia đình bà và nhiều người dân trong thôn có cuộc sống khấm khá hơn.

Trước đây, gia đình anh Bùi Văn Nguyên (thôn Ninh Thanh 2) có 4 sào trồng cà phê nhưng do đất cằn cỗi, thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô nên anh đã chuyển sang trồng rau. Nhờ nắm bắt được các kỹ thuật chăm sóc nên đều đặn mỗi tháng thu về khoảng 10 triệu đồng từ việc trồng rau. Bên cạnh việc tập trung trồng các loại rau được ưa chuộng trong dịp Tết thì anh Nguyên cũng dành riêng một diện tích đất để trồng các loại rau giải nhiệt như rau cúc, mồng tơi, rau đay, cải ngọt… để phục vụ nhu cầu sau Tết. Anh Nguyên cho hay: “Mỗi loại rau có thời kỳ sinh trưởng khác nhau nên người trồng phải căn thời gian để xuống giống mới thu hoạch đúng dịp Tết. Như su hào, súp lơ phải trồng trước Tết 2 tháng, rau xà lách khoảng 1 tháng, còn hành, ngò thì từ 20-25 ngày. Sau mỗi vụ thì người trồng phải dành một khoảng thời gian để cho đất nghỉ ngơi, thường thì từ 5-7 ngày”.

Nghề trồng rau ở xã Ea Kmút đã có cách đây hơn 22 năm, được chuyển đổi từ những diện tích trồng cà phê, điều, lúa và đậu kém năng suất, lúc đầu chỉ có một vài hộ nhưng sau thấy hiệu quả kinh tế mà cây rau mang lại nên ngày càng có nhiều hộ dân chuyển sang trồng rau. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, rau tại Ea Kmút được trồng quanh năm, mùa nào thức nấy, nhưng vào dịp Tết người trồng ở đây đều ưu tiên trồng những loại rau củ được tiêu thụ mạnh như súp lơ, cà rốt, su hào, xà lách, dưa leo, các loại rau gia vị… Hiện xã Ea Kmút được xem là vùng chuyên canh rau lớn nhất của huyện Ea Kar, không chỉ cung cấp một lượng lớn rau củ cho thị trường trong tỉnh mà còn ở các địa phương khác như: Gia Lai, Đắk Nông, Phú Yên, Nha Trang…

Nhiều năm qua, nghề trồng rau đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn xã Ea Kmút, mỗi ha rau cho thu nhập bình quân khoảng 320 triệu đồng/năm. Hiện toàn xã có 146 ha đất trồng rau tập trung chủ yếu ở thôn Ninh Thanh 1 và Ninh Thanh 2, tổng doanh thu hằng năm đạt hơn 46,7 tỷ đồng.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.