Multimedia Đọc Báo in

Người trồng mía ở Krông Bông thấp thỏm chờ thu hoạch

10:29, 02/01/2018

Bão số 12 đã đi qua gần 2 tháng, nhưng đến nay nhiều ruộng mía ở huyện Kông Bông vẫn ngập trong nước. Niềm hy vọng về một mùa mía “ngọt” như những năm trước của bà con nông dân ở đây đã tan biến.

Tại xã Hòa Sơn - một trong những xã trọng điểm trồng mía của huyện, nhiều bà con nông dân vẫn đang loay hoay tìm cách thoát nước để cứu mía. Bà Vương Tú Phụng (ở thôn 7, xã Hòa Sơn) nói: “Gia đình tôi có 1,5 ha mía thu hoạch năm thứ hai và 1,5 ha là mía thu hoạch năm đầu. Kinh phí đầu tư vào 3 ha mía này khoảng 80 triệu đồng. Năm trước, mặc dù lũ lụt nặng nhưng mía vẫn đạt năng suất cao, gia đình tôi lãi 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm nay lũ không bằng năm ngoái, nhưng do ảnh hưởng của bão số 12 nên mía ngã rạp, năng suất sẽ giảm rất nhiều; thêm vào đó nước rút chậm chuột cắn phá mía nhiều hơn, giá mía lại đang rớt nên chưa biết năm nay sẽ như thế nào”.

Ruộng mía của  gia đình ông Trần Minh Mùi, thôn 1 (xã Khuê Ngọc Điền).
Ruộng mía của gia đình ông Trần Minh Mùi, thôn 1 (xã Khuê Ngọc Điền).
 
“Các công ty mía đường đang thu mua mía với giá dao động từ 830.000 - 850.000 đồng/tấn, thấp hơn so với năm ngoái 100.000 đồng/tấn. Theo đánh giá sơ bộ, năng suất mía năm nay sẽ giảm khoảng 50%. Để hỗ trợ và giúp bà con yên tâm gắn bó với cây mía, Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình sẽ giãn thời gian thu hồi nợ và tiếp tục đầu tư để bà con nông dân tái sản xuất vụ mới” 
 
Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình

Đồng cảnh ngộ, ông Trần Minh Mùi (ở thôn 1, xã Khuê Ngọc Điền) ngao ngán: “Gia đình tôi có 1,3 ha đất, những năm trước tôi chỉ trồng sắn, đây là vụ đầu tiên gia đình đầu tư trồng mía mất gần 20 triệu đồng chưa kể tiền cây giống. Nếu như không xảy ra bão, gia đình tôi có thể thu về hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí phân bón, nhân công... ít nhất cũng còn lãi 60 triệu. Hiện giờ mía đã đủ tuổi nhưng nước vẫn chưa rút, cứ kéo dài tình trạng này, không biết khi thu hoạch sẽ còn lại được bao nhiêu”.

Niên vụ 2017 - 2018 huyện Krông Bông có gần 500 ha mía, tập trung ở 6 xã: Cư Kty, Hòa Tân, Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Tân Sơn, Ea Trul. Cơn bão số 12 vừa qua đã làm 100% mía ở huyện Krông Bông ngã rạp, nặng nhất là ở các xã Hòa Sơn, Cư Kty, Khuê Ngọc Điền. Do đang vào mùa thu hoạch cộng với áp lực “chạy lũ” nên giá nhân công ở huyện Krông Bông tăng cao hơn so với cùng kỳ từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn.

Mặc dù mía là loại cây có thể chịu được nước nhưng việc mía ngập chìm lâu trong nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến chữ đường, làm giảm năng suất. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kty cho biết: "Hiện tại vẫn chưa đánh giá được hết những thiệt hại của bà con trồng mía. Để giảm thiểu thiệt hại trước mắt, chính quyền địa phương vận động người dân tìm mọi phương án cứu mía, nước rút đến đâu thì thu hoạch đến đấy; đồng thời rất mong các công ty mía đường có chính sách chia sẻ thiệt hại với người trồng mía, giúp nhà nông an tâm gắn bó lâu dài với cây mía, cũng như công ty”.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.