Multimedia Đọc Báo in

Những điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở Ea Pil

09:35, 09/01/2018

Đến nay, xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới (gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, bưu điện, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh, an ninh trật tự xã hội, trường học). Bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc.

Có được kết quả đó là nhờ sự chung tay, góp sức của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng nhân dân trên địa bàn xã. Đặc biệt, trên địa bàn xã Ea Pil đã có nhiều tập thể, cá nhân tích cực đóng góp công sức, tiền của, hiến đất và nhiệt tình vận động bà con cùng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường (phải) đến thăm mô hình trồng nhãn của gia đình ông Phạm Đăng Tân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường (phải) đến thăm mô hình trồng nhãn của gia đình ông Phạm Đăng Tân.

Nhờ sự cần cù, sáng tạo và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của gia đình ông Phạm Đăng Tân (thôn 10, xã Ea Pil) ngày càng ổn định. Với gần 10 ha nhãn, trong đó 3 ha đã thu hoạch mang lại thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng, gia đình ông Tân là điển hình nông dân làm kinh tế giỏi ở huyện M’Đrắk. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho gia đình, ông Tân còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trước thực trạng tuyến đường liên thôn từ thôn 10 vào thôn 5 đã xuống cấp, khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, ông Tân đã chủ động đề nghị với Ban tự quản hai thôn xây dựng phương án, tổ chức họp dân bàn cách đóng góp xây dựng tuyến đường. Từ đề xuất của ông Tân, nhân dân hai thôn đã đóng góp 79 triệu đồng tiền mặt, hiến nhiều diện tích đất canh tác (trồng cà phê, cao su, nhãn, vải, điều và tiêu) mà không yêu cầu bồi thường để san ủi mở rộng tuyến đường dài gần 4 km, rộng 8 m để đi lại thuận tiện hơn. Trong đó, gia đình ông Tân đã tự nguyện hiến 700 m2 đất, 32 cây nhãn và đóng góp 15 triệu đồng tiền mặt để xây dựng đường. Với những đóng góp của mình, ông Phạm Đăng Tân đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích trong xây dựng nông thôn mới năm 2016.

Nhân dân thôn 1 (xã Ea Pil) tham gia làm đường giao thông liên thôn.
Nhân dân thôn 1 (xã Ea Pil) tham gia làm đường giao thông liên thôn.

Thôn 2 là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của xã Ea Pil. Toàn thôn hiện có 164 hộ, hơn 600 nhân khẩu, trong đó có 60 hộ nghèo (chiếm 36% dân số), 27 hộ cận nghèo (chiếm gần 16,5%). Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân trong thôn đã chung sức, đồng lòng đóng góp xây dựng nhiều công trình nông thôn mới như: xây dựng hội trường thôn rộng 140 m2 gồm 1 phòng họp có sức chứa gần 150 người và mái vòm với tổng kinh phí 230 triệu đồng (trong đó: cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức đóng góp mỗi người 1 triệu đồng, nhân dân đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng, nhà tài trợ ủng hộ vật liệu và tiền mặt... với tổng số tiền thu được gần 260 triệu đồng và 300 ngày công lao động); sửa chữa, nâng cấp tuyến đường liên thôn dài 1,4 km, rộng 5 m (trong đó, nhân dân đóng góp trên 32 triệu đồng và 30 ngày công thực hiện).

Ông Nguyễn Hữu Trác, Trưởng thôn 2, cho biết: Bà con trong thôn đều xác định cần chung sức, đồng lòng với chính quyền để xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2017, nhân dân thôn 2 đã đồng thuận đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng tường rào và mở rộng sân làm nơi vui chơi, giải trí, thể thao của thôn. Nhờ vậy, đến nay, đường làng ngõ xóm của thôn 2 rất khang trang, sạch đẹp, đời sống của nhân dân cũng ngày càng được nâng cao. 

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.