Multimedia Đọc Báo in

Phát triển điện năng lượng mặt trời: Cần sớm tháo gỡ những "nút thắt" (Kỳ 1)

10:48, 15/01/2018

Đắk Lắk đang kêu gọi đầu tư hàng chục dự án điện năng lượng mặt trời, chủ yếu tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn với số vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, tiến độ đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa được như kỳ vọng.

Kỳ 1: Nhà đầu tư “kêu” khó

Với chủ trương kêu gọi đầu tư vào điện năng lượng mặt trời, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích để kêu gọi đầu tư lĩnh vực năng lượng sạch, nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương, tuy nhiên doanh nghiệp (DN) vẫn kêu khó…

Hy vọng ở  những dự án tỷ đô

Theo UBND tỉnh, đến nay đã có 32 nhà đầu tư quan tâm đến đăng ký, nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất dự án (DA) điện năng lượng mặt trời với tổng công suất trên 15.000MW trên diện tích khoảng 8.500 ha đất nông lâm nghiệp, gần 600 ha đất mặt nước. Xét năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư, UBND tỉnh chấp thuận cho 15 nhà đầu tư triển khai khảo sát, lập DA điện mặt trời với số vốn đăng ký hàng tỷ USD. Trong số các dự án đã được khảo sát, có quyết định nhà đầu tư thì có 4 DA công suất trên 50MW đang trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia; 6 DA công suất từ 50MW trở xuống đang trình Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk; các DA khác đang hoàn thiện hồ sơ.

Nhiều diện tích đất lâm nghiệp tại xã Cư M’lan (Ea Súp) dự kiến làm các DA điện năng lượng mặt trời đang bị người dân lấn chiếm.
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp tại xã Cư M’lan (Ea Súp) dự kiến làm các DA điện năng lượng mặt trời đang bị người dân lấn chiếm.

Tại tiểu khu 293 xã Cư M’lan (huyện Ea Súp), trước đây DA nông lâm nghiệp với diện tích 1.165 ha của Công ty TNHH MTV Anh Quốc mắc nhiều sai phạm, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, xâm canh hầu hết diện tích được giao nên UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi đất, giao về cho địa phương quản lý. Trong tổng số diện tích hơn 1.000 ha này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý về chủ trương để Tổng công ty Thái Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) khảo sát trên diện tích 400 ha để lập DA điện năng lượng mặt trời 2 với công suất dự kiến là 350 MW, trong đó giai đoạn 1 là 50MW, tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) hơn 1.000 tỷ đồng.

Một DA khác là nhà máy điện năng lượng mặt trời tấm nổi trên mặt hồ Ea Súp Thượng, có tổng vốn đầu tư từ 0,6-1 tỷ USD, công suất từ 300-500MW cũng đã được UBND tỉnh và chủ đầu tư là Công ty Solarpark Global I&D (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ. DN này cũng đầu tư dự án nhà máy sản xuất tấm nổi dùng trong nhà máy điện năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) với tổng vốn đầu tư 990 tỷ đồng…

Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng trao quyết định chủ đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Long Thành Ia Lốp để thực hiện xây dựng DA Nhà máy năng lượng mặt trời Ia Lốp 1, công suất 50 MW, tại xã biên giới Ia Lốp (huyện Ea Súp). DA này sẽ được triển khai xây dựng trên diện tích 65 ha, nằm trong khu vực 500 ha của DA Tổ hợp điện năng lượng mặt trời do Công ty cổ phần đầu tư Long Thành Đắk Lắk khảo sát công suất 250MW, tổng mức đầu tư 320 triệu USD đã được chấp thuận trước đó…

Khu vực hồ Ea Súp Thượng (Ea Súp) được Công ty Solarpark Global I&D (Hàn Quốc) dự kiến làm dự án điện năng lượng mặt trời  tấm nổi khoảng 0,6 - 1 tỷ USD nhưng chủ đầu tư hiện đã xin rút.
Khu vực hồ Ea Súp Thượng (Ea Súp) được Công ty Solarpark Global I&D (Hàn Quốc) dự kiến làm dự án điện năng lượng mặt trời tấm nổi khoảng 0,6 - 1 tỷ USD nhưng chủ đầu tư hiện đã xin rút.

Ngoài ra, tại khu kinh tế quốc phòng 737 (Binh đoàn 16, Quân khu V) thuộc địa bàn 2 xã Ia R'vê, Ia Lốp đang đầu tư nông lâm nghiệp nhưng kém hiệu quả, các DN cũng đang hoàn thiện thủ tục để đầu tư cụm nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện (công suất 2.000 MW), tổng vốn dầu tư dự kiến 2,2 tỷ USD; Cụm nhà máy năng lượng sạch Rừng Xanh (công suất 1.117 MW), vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Theo UBND tỉnh, các DA điện năng lượng mặt trời tại các khu vực đất cằn cỗi, trên các DA nông lâm nghiệp kém hiệu quả sẽ mở ra một hy vọng mới cho vùng biên này…

Vẫn lo “không hiệu quả”

Để thu hút đầu tư lĩnh vực này, tỉnh đã có nhiều ưu đãi như: nhà đầu tư sẽ sớm được giao quỹ đất sạch; được bao tiêu toàn bộ sản lượng điện (với giá 9,35 cent/kWh); được tận dụng khoảng đất DA để sản xuất nông nghiệp, tạo thêm nguồn thu nhập; nhà đầu tư được phép huy động vốn dưới các hình thức mà pháp luật cho phép với các tổ chức, cá nhân khác. Tỉnh cũng tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư nắm thông tin, khảo sát địa hình tại các khu vực được quy hoạch để đưa ra quyết định đầu tư. Tháng 8-2016, để xúc tiến DA nhà máy điện năng lượng mặt trời tấm nổi trên hồ Ea Súp Thượng, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến Hàn Quốc thăm Công ty Solarpark I&D để bàn thảo, kêu gọi…

Tuy có nhiều ưu đãi, thế nhưng mới đây Công ty Solarpark Global I&D (Hàn Quốc) có báo cáo gửi UBND tỉnh xin ngừng triển khai DA xây dựng nhà máy điện mặt trời trên hồ Ea Súp Thượng. Cụ thể, theo nhà đầu tư, sau khi ký biên bản ghi nhớ, nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư, triển khai thủ tục đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia. Nhưng tại quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, quy định giá bán điện mặt trời là 9,35cent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh) được áp dụng đến ngày 30-6-2019, sau đó dự kiến giảm xuống thấp hơn. Nhà đầu tư cho rằng, mức giá này không bảo đảm khả năng sinh lợi cho DA.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc